Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thứ hai, chỉ sau COVID-19 về số ca tử vong. Mỗi năm ước tính có khoảng 450.000 người mắc MDR-TB, tức là bệnh mà các loại thuốc hàng đầu không còn tác dụng điều trị nữa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới tại Nam Phi, thuốc kháng sinh levofloxacin đã được chứng minh là có tác dụng giảm 56% nguy cơ trẻ em mắc MDR-TB.
Phát biểu với báo giới, trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Stellenbosch, bà Anneke Hesseling cho biết đây là thử nghiệm đầu tiên ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược, để xem liệu một loại thuốc có thể ngăn ngừa MDR-TB ở trẻ em hay không. Bà Hesseling khẳng định thuốc kháng sinh levofloxacin có thể mang lại sự bảo vệ quan trọng cho trẻ em sống trong nhà có cha mẹ mắc bệnh MDR-TB.
Thử nghiệm trên được Sáng kiến Tài trợ y tế quốc tế (Unitaid), trực thuộc WHO, tài trợ một phần. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 453 trẻ em tiếp xúc với người lớn mắc bệnh MDR-TB tại nhà. Chỉ có 5 trẻ mắc bệnh. Người đứng đầu Unitaid, ông Philippe Duneton đánh giá nghiên cứu này là "một tiến bộ lớn, có khả năng bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi căn bệnh nguy hiểm này".
Kết quả của một nghiên cứu khác được trình bày tại hội nghị cũng cho thấy levofloxacin ngăn ngừa MDR-TB ở 45% người trưởng thành ở Việt Nam. Hai nhóm nghiên cứu đã hợp tác và dùng phương pháp thống kê phân tích Bayes cho thấy levofloxacin giúp giảm 60% nguy cơ mắc MDR-TB cho mọi lứa tuổi.
Levofloxacin đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ và được sử dụng rộng rãi để điều trị - hơn là phòng ngừa - bệnh lao. Liều dùng mỗi ngày một lần trong 6 tháng. Bà Hesseling cho biết kể từ khi thử nghiệm, một phiên bản levofloxacin có vị dễ uống hơn, dễ hòa tan hơn, "thân thiện với trẻ em" đã được phát triển.