Nghiên cứu mới của các chuyên gia đến từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho biết nhiễm sắc thể Y vốn giữ vai trò quan trọng trong việc xác định giới tính nam và sản xuất tinh trùng, biến mất khỏi các tế bào máu của người đàn ông hút thuốc nhiều hơn ở các tế bào máu của các bạn đồng giới chưa từng hoặc mới bắt đầu thói quen này.
Khám phá trên có thể lí giải tại sao tỉ lệ đàn ông bị mắc và chết vì nhiều căn bệnh ung thư lại cao hơn so với phụ nữ.
Trước đó không lâu, một công trình nghiên cứu khác từng phát hiện mối liên hệ giữa việc mất mát NST Y với tuổi thọ ngắn hơn và nguy cơ phát triển nhiều bệnh ung thư cao hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 6.000 đàn ông, có tính tới tuổi tác, thói quen tập luyện thể dục thể thao, mức cholesterol, học vấn, lượng hấp thu rượu cồn và nhiều yếu tố sức khỏe cũng như hành vi khác. Họ phát hiện, ở những người hút thuốc, việc mất nhiễm sắc thể Y dường như phụ thuộc vào liều lượng. Nói một cách khác, nam giới hút càng nhiều, càng mất nhiều.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, một số đàn ông bỏ hút thuốc sau đó dường như khôi phục được các nhiễm sắc thể Y của họ.
Ngoài bệnh ung thư phổi nguy hiểm chết người, hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới hàng loạt căn bệnh nghiêm trọng khác. Nó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong sớm vì các chứng bệnh mạn tính (chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và áp huyết cao), có thể ngăn ngừa được hàng đầu thế giới.
Các dữ liệu dịch tễ học hé lộ, đàn ông hút thuốc đối mặt với nguy cơ phát triển các dạng ung thư không liên quan đến phổi, chẳng hạn như ung thư ruột, cao hơn phụ nữ hút thuốc.
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết rõ mất bao nhiêu nhiễm sắc thể Y trong các tế bào máu có liên quan đến việc phát triển bệnh ung thư, dù vẫn tồn tại khả năng là, các tế bào miễn dịch trong máu bị mất nhiễm sắc thể Y sẽ suy giảm khả năng chống lại các tế bào ung thư. Họ nói cần có thêm nghiên cứu để giải đáp bí ẩn này.
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Science.