Bài 1: Cuối năm vẫn lắm xót xa
Một năm quá khó khăn với tất cả, nhiều doanh nghiệp tuyên bố thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh giảm lương,… Thậm chí, người lao động bị buộc phải nghỉ việc khi dịp Tết Nguyên đán cận kề. Không được nhận thưởng Tết, chưa kiếm ra việc làm, cũng chỉ biết nhìn nhau: “Thôi thì ăn Tết nghèo”.
Ngậm ngùi “mười năm cống hiến”
Ngồi trong căn phòng trọ nhỏ, anh Nguyễn Thế Lân, 40 tuổi, ngụ Quận 9, TP.HCM, tần ngần cầm tờ Quyết định chấm dứt, thanh lý hợp đồng lao động. “Hồi cuối tháng 12, đang làm việc bỗng nhiên giám đốc, quản lý gọi tôi và hơn chục anh em nữa lên phòng. Nói là công ty khó khăn, thu hẹp sản xuất nên các anh em thông cảm phải nghỉ việc. Chúng tôi đều rất bàng hoàng, có chị bật khóc ngay tại phòng, khóc ướt hết áo…”, anh Lân vừa nói, vừa cười buồn.
Anh Lân làm việc cho một công ty gia công hàng viễn thông di động, lương tháng chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng. Theo anh Lân, công ty có thỏa thuận với người lao động rằng lợi nhuận sẽ được chia theo tỉ lệ: 50% để hoạt động công ty, và 50% chia đều cho công nhân viên. Nhưng khi chỉ còn vài ngày nữa là anh Lân sẽ hoàn thành đủ 1 năm, đạt điều kiện được nhận thưởng thì lại phải nhận quyết định thôi việc.
Anh Lân ngậm ngùi tâm sự: “Tôi làm việc ở đây đã hơn mười năm, trong số những người bị cho thôi việc, có người gắn bó tới mười bảy, mười tám năm. Lương tuy thấp, nhưng cuối năm được thưởng rất cao. Như trường hợp của tôi, thì được khoảng 6 tháng lương, gần 40 triệu, là một con số rất lớn, là kỳ vọng của tôi và gia đình trong suốt một năm. Hồi đầu còn mong Tết lắm, giờ thì không mong nữa…”.
Anh Lân nói, năm nay khu nhà trọ anh ở không ai mong Tết, vì người không có thưởng, người có thưởng Tết thì cả năm dịch bệnh cũng không ai dành dụm được tiền |
Như anh Lân, chị Cao Thị My, 36 tuổi, cũng làm việc tại công ty này được hơn mười năm. Ngày nhận quyết định cho thôi việc, chị chỉ biết khóc. “Thất vọng lắm chứ, còn mấy ngày nữa là tới Tết rồi. Có nhiều anh chị cương quyết không kí vào giấy tự nguyện thôi việc. Nhưng tôi thì kí, vì họ nói khó khăn có khi họ khó khăn thật. Và tôi cũng chỉ muốn giải quyết cho mau để còn tìm việc mới. Đời công nhân chúng tôi là vậy, chỉ cần không làm một ngày cũng đã thấy thiếu trước hụt sau”. Liên lạc với công ty nói trên, được biết, công ty có đền bù cho mỗi công nhân thôi việc số tiền bằng 2 tháng lương cơ bản.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến là lại có cảnh công nhân bị cho thôi việc. Đây là “chiêu” thường thấy của một số doanh nghiệp để “trốn thưởng Tết”. Tuy nhiên, sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, có rất nhiều doanh nghiệp thật sự không thể trụ lại. Nhiều công nhân cũng không muốn “gây khó dễ” cho nơi mình đã từng gắn bó. Nên dù miễn cưỡng họ cũng đành ký vào giấy tự nguyện thôi việc, để mau chóng lao vào một cuộc mưu sinh mới.
Năm ngoái thưởng cao, năm nay lại lao đao
Chắc khó ai ngờ, ngành hàng không, thuộc nhóm ngành nghề nhiều người mơ ước lại có khi phải lay lắt cầm cự như hiện tại. Chị Nguyễn Thúy, 32 tuổi, nhân viên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất tâm sự: “Mọi năm vào thời điểm này lương thưởng đều rất nhộn nhịp. Không chỉ tiền mà còn rất nhiều quà, voucher mua sắm. Năm nay nghỉ liên tục hơn 3 tháng, mỗi tháng được trợ cấp 5 triệu. Đến khi được làm lại cũng rất đìu hiu, chỉ nhận phân nửa lương. Còn thưởng Tết thì chắc không có. Chiều nay một bạn bên bộ phận không lưu mới gọi điện kể là đã có quyết định không thưởng Tết. Ai cũng buồn, không biết bao giờ sân bay mới lại tấp nập như xưa”.
Về thưởng Tết, trao đổi với chúng tôi, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, với tình hình như hiện tại, dự kiến Vietnam Airlines sẽ không có thưởng Tết Nguyên đán 2021. Trước đó, hãng hàng không này cũng đã phải tiến hành giảm lương của cả lãnh đạo và người lao động. Cụ thể, lương phi công giảm hơn 50% so với năm 2019. Lương tiếp viên, nhân viên mặt đất cũng giảm bình quân hơn 45%. Và Vietnam Airlines cũng phải cắt giảm 1.600 nhân sự.
Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ do dịch bệnh |
Không chỉ có hàng không, du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh. Anh Trần Thế Tài, 27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, hướng dẫn viên du lịch của công ty Đất Việt cho biết: “Em không có chuyến dẫn khách từ đầu năm, đến giữa năm trụ không được nữa em phải xin nghỉ. Làm việc thời vụ ở các quán cà phê để kiếm tiền, khi nào dịch bệnh được kiểm soát, có tour trở lại thì em mới tiếp tục xin việc hướng dẫn viên. Năm ngoái em dẫn đoàn xuyên Tết, thưởng được hơn 20 triệu, lương gấp 3 ngày thường, khách thương lì xì cũng rất nhiều. Năm nay làm tạm quán cà phê, mà quán cũng không đông, quản lý nói ai làm xuyên Tết thì được thưởng 2 triệu”.
Tuy rất buồn vì không được thưởng Tết, nhưng hầu hết những người bị “mất Tết” đều cho rằng mình vẫn còn may mắn. Vì vẫn có sức làm việc, vẫn còn hy vọng. Như anh Trần Thế Tài tâm sự: “Giờ em chỉ mong sao có vắc-xin phòng dịch, mọi thứ trở lại như vốn dĩ. Dẫu khó khăn, nhưng hiện tại mình còn sức khỏe, có việc để kiếm tiền, an toàn trong dịch bệnh là may mắn lắm rồi. Em chắc rằng rất nhiều người tuy buồn bã, nhưng cũng sẽ nghĩ như em, còn sức khỏe là còn hy vọng”.
Thưởng Tết Nguyên đán khối doanh nghiệp FDI cao ngất ngưởng
Như thường lệ, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp FDI luôn cao hơn so với các khối doanh nghiệp còn lại. Năm nay, người nhận thưởng Tết Nguyên đán cao nhất ở TP.HCM là 1,076 tỉ đồng, thuộc ngành cơ điện lạnh của một doanh nghiệp FDI – theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Tại Đồng Nai, một cá nhân là lãnh đạo của một doanh nghiệp FDI sản xuất bao bì nhận mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng, một số cá nhân khác được thưởng từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng.
Tại Hà Nội, khối doanh nghiệp FDI cũng dẫn đầu về mức thưởng Tết Âm lịch với mức bình quân là 4,45 triệu đồng/người. Một cá nhân được thưởng cao nhất là 280 triệu đồng.