Thưởng Tết nhiều đến bất ngờ
Công nhân công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam, tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, Đồng Nai không khỏi bất ngờ vì năm nay công ty lại thưởng Tết nhiều hơn năm ngoái. Anh Lê Hoài Trung, 34 tuổi, làm việc tại Dona Standard đã hơn 10 năm cho biết: “Đây là năm công ty thưởng cao nhất. Khoảng giữa năm, vào tháng 6, tháng 7 do dịch bệnh, công ty bị thiếu hàng làm, một số khâu sản xuất phải làm 3 tuần, nghỉ 1 tuần. Ai cũng nói, thôi rồi năm nay sẽ khó khăn. Nhưng hiện tại, mọi thứ ổn định, hàng nhiều lên và thưởng Tết cũng nhiều nữa”.
Theo anh Trung, bình thường mỗi năm, công ty chỉ thưởng lương tháng 13. Năm nay ngoài lương tháng 13 còn được thưởng thêm 20 ngày làm việc. Công nhân nào mới vào làm, chưa tròn năm thì tính thưởng theo phần trăm. “Ai cũng phấn khởi lắm. Tôi nghe các quản lý nói do nước mình kiểm soát được dịch bệnh tốt, ổn định sản xuất nên đơn hàng nước ngoài đổ về nhiều. Hàng nhiều, công ty có lợi nhuận nên thưởng thêm cho công nhân để khích lệ tinh thần”, anh Trung hồ hởi nói.
Hầu hết người lao động đi làm đều mong mỏi có tiền thưởng Tết để mua sắm, chi tiêu cho gia đình. |
Nhận được thông tin thưởng Tết vẫn như mọi năm, anh Nguyễn Văn Trúc, 26 tuổi, công nhân công ty Hyosung Vietnam (chủ đầu tư Hàn Quốc) không khỏi vui mừng. Vì ở thời điểm đầu năm, do dịch bệnh, sản xuất tại công ty bị ảnh hưởng rất nhiều. Anh Trúc chia sẻ: “Lương cơ bản của em là 6.150.000 đồng, tính nhiều khoản vào thì thực nhận hơn 10 triệu. Vậy mà đầu năm dịch bệnh, không có hàng làm, nhận lương rất thấp, không đủ sống. Công nhân ai cũng buồn, cũng lo lắng. Nên khi có thông tin vẫn thưởng Tết, anh em mừng lắm. Em được thưởng 1 tháng lương cơ bản, ai làm lâu năm thì thưởng 1 tháng rưỡi. Có thể so với những nghề khác là không nhiều, nhưng với công nhân tụi em, cũng đủ cho một cái Tết đầm ấm”.
Thưởng Tết cho giáo viên tại TP.HCM cũng có nhiều tin vui. Tuy bị ảnh hưởng nguồn thu do dịch Covid-19, nhưng nhiều trường vẫn khẳng định sẽ cố gắng hết sức để chi thưởng cho giáo viên bằng hoặc cao hơn so với năm ngoái. Như trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, năm ngoái có mức thưởng trung bình 12 triệu đồng/ người. Hiệu trưởng trường, bà Vũ Thị Ngọc Dung cho biết, năm nay tuy chưa có mức chi cụ thể cho việc thưởng Tết, nhưng sẽ cố gắng ở mức như năm ngoái hoặc cao hơn để các thầy cô có cái Tết đủ đầy. Bên cạnh đó, công đoàn ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch chăm lo cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành nhân dịp tết Tân Sửu 2021. Mức thấp nhất sẽ là 500.000 đồng/người.
Cùng nhau san sẻ
Vào tháng 6/2020, Công ty TNHH PouYuen, gia công giày xuất khẩu tại quận Bình Tân đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với 2.800 công nhân vì sản xuất bị ảnh hưởng do Covid-19. Đến tháng 7/2020, công ty tiếp tục thiếu đơn hàng và phải cho 6.000 công nhân tạm ngừng việc. Dẫu khó khăn là vậy, nhưng Tết Nguyên đán Tân Sửu, công ty vẫn cố gắng chi thưởng cho công nhân.
Chị Lê Thị Ngọc Bích, 29 tuổi, là công nhân tại PouYuen cho biết: “Mình làm việc ở đây được 5 năm. Công ty mới thông báo thưởng Tết từ hồi tuần trước. Thấp hơn năm ngoái, nhưng có là mừng rồi. Công ty khó khăn, cho công nhân nghỉ việc, làm cầm chừng, ai cũng biết hết. Nên hiện tại cùng cố gắng qua giai đoạn này thôi, chứ anh em cũng không ai đòi hỏi gì nhiều”.
Thông báo điều chỉnh mức mức thưởng Tết của công ty PouYuen. |
Và trong thông báo điều chỉnh mức thưởng Tết, đại diện công ty PouYuen cũng hy vọng công nhân cùng san sẻ và cảm thông: “Tình hình dịch bệnh làm chúng ta phải thay đổi rất nhiều: đơn hàng bị giảm mạnh, toàn xưởng tạm ngưng sản xuất, nghỉ phòng dịch, cắt giảm lao động… Nhưng chúng ta như anh chị em trong một nhà cùng nhau cố gắng, hỗ trợ lẫn nhau. Công ty rất cám ơn sự hỗ trợ và hợp tác của toàn thể công nhân viên, công ty cũng nỗ lực vì cuộc sống của gia đình anh chị em công nhân. Năm nay do kinh doanh không thuận lợi nên công ty rất lấy làm tiếc vì buộc phải điều chỉnh mức thưởng cuối năm, nhưng mong toàn thể cán bộ công nhân viên cùng cố gắng vì sự ổn định và phát triển lâu dài của công ty, hướng đến sản xuất và phát triển trong năm 2021”.
Người lao động và chủ doanh nghiệp đều hiểu rất rõ khó khăn hiện tại để cùng san sẻ cho nhau. |
Cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bùi Văn Trọng, 34 tuổi, chủ một xưởng may nhỏ tại ngã tư Gò Mây, Quận Bình Tân, vẫn cố gắng “lì xì” Tết cho nhân công ở mức 3 triệu đồng. Anh Trọng cho biết, trong năm 2020 anh đã phải rao bán bớt 2 máy vắt sổ, 1 máy cắt. “Phải bán thanh lý bớt máy vì không có hàng làm. Nhân công cũng khổ, quy mô 8 người làm, mà giữa năm thiếu hàng, nên 3 người về quê. Còn mấy người trụ lại, tôi dùng tiền tiết kiệm riêng của mình làm thưởng Tết. Dẫu ít dẫu nhiều cũng gọi là san sẻ cho anh em khó khăn, chứ xưởng may cầm chừng, không có lời”.
Và “cùng nhau san sẻ” là cụm từ mà doanh nghiệp và công nhân viên thường nói với nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ai ai cũng chỉ có một ước mong, năm mới, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế khôi phục, cuộc sống trở lại những ngày bình thường như trước.
Thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thấp hơn 11,9% so với năm 2020
Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP.HCM, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 bình quân là 8,81 triệu đồng/người, thấp hơn 11,9% so với Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (9,99 triệu đồng/ người).
Trong 1.035 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2021, có đến 457 doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân chính do dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đơn hàng giảm, thu hẹp sản xuất, khó thu hồi công nợ,...