Bánh đa nướng
Bánh đa nướng sử dụng nguyên liệu chính là tinh bột tráng mỏng phơi khô, có thể thêm vừng, dừa tùy vùng sản xuất. Khác với loại bánh đa, đánh tráng dùng để cuốn nem, bánh đa nướng được tráng bột lớp dày hơn, có thêm một vài nguyên liệu phụ làm tăng hương vị cho chiếc bánh khi nướng.
Sau khi hơ qua lửa, bánh phồng to, chuyển màu vàng đục, giòn tan. Bánh đa nướng là món đặc sản của nhiều vùng quê Bắc Bộ như bánh đa Đô Lương, bánh đa Thanh Hóa...
Bánh phồng tôm
Bánh phồng tôm là loại bánh phồng quen thuộc hơn cả với nhiều người. Bánh phồng tôm ở Việt Nam được xem là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, thường được đóng gói dưới dạng chưa chiên.
Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là bột sắn, bột năng trộn với ít bột nở, thịt tôm xay nhuyễn. Các nguyên liệu trộn xong được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài (giống như xúc xích nhưng to hơn nhiều). Sau khi được hấp chín, người ta cắt ra thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Khi sử dụng phải chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ nở to ra gấp 3-4 lần nên được gọi là bánh phồng.
Bánh phồng mì
Bánh phồng mì là đặc sản của một số tỉnh ĐBSCL. Bánh có hình dạng khá giống với bánh đa nhưng nhỏ xinh và ít "thô" hơn. Nguyên liệu chính dùng làm bánh là khoai mì, loại củ được trồng khá phổ biến ở khu vực này.
Sau khi thu hoạch, củ mì được lột vỏ, ngâm nước qua nhiều giờ rồi nấu chín, bỏ xơ. Kế đó, người làm bánh pha trộn mì đã nấu chín với nước cốt dừa, đường cát, sữa... rồi đem lên cối quết. Trước khi đem ra phơi nắng, bánh được cán mỏng rồi cắt miếng. Tất cả đều được làm thủ công bằng bàn tay khéo léo của những người thợ.
Bánh phồng mì tròn trĩnh nhỏ xinh vừa mắt, nướng cũng ngon mà chiên cũng ngon, cắn vào miệng thấy vị giòn rụm, ngọt ngào mà béo ngậy.
Quẩy
Quẩy có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng cũng là món ăn phổ biến tại Việt Nam. Quẩy hay bánh quẩy có thể ăn khi nóng, chấm kèm nước chấm chua ngọt hoặc ăn nguội với các loại cháo, mì nước; quẩy nóng mềm, quẩy nguội giòn.
Quẩy được làm từ bột mì, bột nở, đường, muối, nước rồi nhồi với trứng gà và ủ trong khoảng 1 giờ. Vo khối bột thành dạng dài rồi cán thành từng đoạn cỡ 8 – 10 cm. Chồng hai đoạn bột tạo thành một chiếc quẩy sau đó thả vào chảo dầu sôi, hất qua lại đến khi quẩy có màu vàng là vừa. Quẩy sau khi chiên có thể phồng lớn gấp 10 lần miếng bột ban đầu.
Bánh phồng Vẽ
Bánh phồng Vẽ là cách gọi thứ đặc sản tiến vua thuộc làng Vẽ (nay thuộc Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội), chỉ loại bánh được làm từ xôi nếp giã nhuyễn.
Bánh dùng gạo nếp lựa kĩ, ngâm nước "bấc" 5 vị (lá trầu không, quả bồ kết, củ ráy, vỏ cây vông vang và cây bắc đèn) từ khi nước còn ấm trong nửa tiếng rồi mới đem đi đồ xôi. Xôi đồ xong đem giã nhuyễn như giã bánh dày, nặn hình vuông vức quân cờ rồi đem phơi nắng đến khi bánh khô kiệt mới đem cất vào chum sành đậy kín cất giữ, khi có dịp mới mang ra rán.
Làm bánh kì công như vậy nên không thể chỉ dùng sức của một người, một hội làm bánh có khi lên tới cả chục người. Trong đó phải có vài thanh niên cường tráng để giã xôi.
Bánh được chiên xong còn phải thả qua chảo đường sôi nhè nhẹ để tạo lớp áo đường hấp dẫn bám vào bánh. Chiếc bánh phồng làng vẽ không chỉ thơm và ngọt, và còn là thứ cầu kì bậc nhất trong các loại bánh phồng ở Việt Nam.