Mùi nồng…. nhưng đậm vị
Bún mắm cua rất đặc biệt, nếu “chịu” được mùi, thì người ăn sẽ không bao giờ quên vị mặn mà của mắm cua, vị ngọt của măng. Cua đồng là một thành phần chủ đạo ( thường thì vào mùa mưa cua đồng sẽ nhiều và thịt chắc hơn mùa khô), ngoài ra còn có thêm thịt ba rọi, măng le khô (hoặc măng tươi), bún, ngò gai, giá, xà lách, hành khô, ớt, chanh, tỏi.
Bún mắm cua có mùi nồng nhưng hương vị vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Internet |
Bún mắm cua - món ăn dân dã đặc sản phố Núi. Ảnh: Internet |
Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chế biến, bún được xếp vào tô lượng vừa phải sau đó chan nước mắm cua vào kèm theo măng, thịt ba rọi và một ít da heo chiên dòn lên trên (bánh phồng tôm), ớt và mắm nêm là gia vị không thể thiếu tùy theo khẩu vị của mỗi người mà người ăn cho nhiều hay ít. Khi thưởng thức bạn nên cho thêm chả lụa và nem, ăn kèm với rau sống để... hít hà ớt cay thì bạn mới có thể thưởng thức hết được hương vị của món bún mắm cua này.
Khi đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được ở đầu lưỡi vị mặn của mắm, vị thơm của các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da heo… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn. Tùy theo sở thích của mỗi người, có người khi ăn cho thêm chả, nem chua hay bóng lợn cắt nhỏ chiên giòn, bánh phồng tôm nhưng nhất định phải có trái ớt tươi và dĩa rau sống gồm: xà lách, húng thơm, ngổ, quế, giá, và bắp chuối. Và đừng quên thưởng thức thêm món tráng miệng cơm rượu để tránh bị lạnh bụng nhé.
Ai đã ăn bún mắm cua sẽ nhớ mãi bởi hương vị đặc trưng. Ảnh: Khánh Hòa |
Tại Gia Lai, những quán bún mắm cua rất dễ tìm từ thành phố Pleiku hay ở những khu chợ huyện bạn đều dễ dàng tìm thấy và thưởng thức chúng. Món ăn dân dã nhưng rất đậm đà.
Sự linh hoạt thú vị
Bún mắm cua không chỉ là món ăn dân dã nó còn là đại diện tiêu biểu cho sự linh hoạt trong văn hoá thích nghi với môi trường tự nhiên nơi phố núi se lạnh này.
Bún mắm cua là món “độc” của phố núi Pleiku. Ảnh: Internet |
Theo lời kể của người dân nơi đây: Người kinh sống tại Pleiku chủ yếu là nông dân miền Trung di cư đến, với họ thì cua là một thực phẩm khá quen thuộc. Vùng thung lũng với những ruộng lúa nước ở Gia Lai là nguồn cung cấp nguyên liệu này. Tuy nhiên, mưu sinh ban đầu hầu hết tập trung ở các vùng xa khu trung tâm, vậy nên thực phẩm khô (cá khô, mắm, măng…) rất tiện dụng cho những buổi đi chợ xa mà có thể dự trữ được nhiều ngày. Việc làm mắm cua xuất phát từ việc tận dụng nguồn thực phẩm để dự trữ vì mắm cua có thể ăn trong 4- 5 ngày và lâu hơn tùy theo độ đậm của mắm. Ngoài ra, măng le khô (hoặc tươi) cũng là thực phẩm có rất nhiều ở Gia Lai và được người dân tận dụng.
Bún mắm cua là món ăn hoài không chán của người Pleiku. Ảnh: Internet |
Cua là loại thực phẩm cung cấp nhiều protein, canxi; thịt ba rọi cung cấp đạm là những năng lượng cần thiết cho các hoạt động lao động cần nhiều năng lượng.Vị cay trong bún mắm cua không chỉ là phương pháp chống lại cái lạnh nơi núi rừng này mà còn là sự hòa hợp âm- dương trong ẩm thực: Cua- tính hàn; ớt- tính nhiệt. sự kết hợp linh hoạt trong việc tận dụng thực phẩm từ tự nhiên và chế biến nó cho phù hợp khắc phục những khắc nghiệt do chính tự nhiên mang lại.
Xem thêm: