Theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được ban hành, công tác truyền thông đã được triển khai, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của công chức, viên chức, người lao động, và người dân về thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng và nơi làm việc; đã có sự tăng đáng kể hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động.
Nghiên cứu đánh giá hàng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ PCTHTL thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 chỉ ra năm 2018, có tới 92% những người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi (so với 86% vào năm 2016); 96% người được hỏi nói rằng họ quan tâm đến sức khỏe của con họ khi họ hút thuốc gần con họ; 93% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần người khác và 96% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần trẻ em.
Đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường THCS, 1.010 trường THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà; 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại khu vực trong nhà; 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên và trong nhà; 305 nhà hàng, 400 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 5 năm qua đã có 195.000 công nhân viên chức lao động bỏ thuốc lá; trên 200.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động giảm hút thuốc lá.
Báo cáo điều tra Tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho thấy: Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm. Tại gia đình (từ 73,1% xuống còn 59,9%); tại nơi làm việc (từ 55,9% xuống còn 42,6%); tại các trường đại học, cao đẳng (từ 54,3% xuống còn 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng (từ 34,4% xuống còn 19,4%); tại trường học (từ 22,3% xuống còn 16,1%); và tại cơ sở y tế (từ 23,6% xuống 18,4%) - ThS. Trần Thị Trang cho biết.