Tiếp tục đẩy nhanh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2024, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thu gom, rà, phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để giải phóng đất đai, phục vụ an sinh xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, năm 2024, kế hoạch thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn tập trung vào các nhiệm vụ: Thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025 - 2045 định hướng đến 2050.

Cùng với đó là triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; hoàn chỉnh Bộ Tiêu chuẩn quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh trình Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và ban hành (trước 12/2024).

Năm 2024, Việt Nam cũng mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; đẩy mạnh vận động tài trợ quốc tế, củng cố và thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực; thúc đẩy các bên triển khai bản ghi nhớ đã ký kết trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn với các đối tác Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thụy Sỹ, Nga... và các tổ chức quốc tế như: KOICA, UNDP, JICA, GICHD, NPA, PT, ODC, MAG, HALO TRUST, NPA, CRS.... Đồng thời, triển khai dự án “Hành động bom mìn vì làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” giai đoạn 2022 – 2026. Dự án này sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn như: khảo sát rà phá, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, hỗ trợ nạn nhân… trên địa bàn 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định.

Cũng trong năm 2024 sẽ triển khai Dự án hỗ trợ trang thiết bị rà phá bom mìn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; dự án xây dựng thao trường huấn luyện tại Ba Vì; dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Kon Tum do NPA tài trợ khi được phê duyệt. Tổ chức truyền thông, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại hai tỉnh Bình Phước và Cao Bằng. Đồng thời, thu thập, nhập dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn vào hệ thống quản lý thông tin quốc gia; duy trì, thực hiện Quy chế quản lý thông tin bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Báo cáo dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu thông tin bom mìn theo quy định. Xây dựng đội quản lý chất lượng và triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn theo thẩm quyền.

Hưởng ứng Ngày quốc tế nhận thức và hỗ trợ hành động bom mìn 4/4/2024, Ban Chỉ đạo 701 và VNMAC tiếp tục tổ chức phát động Cuộc thi trực tuyến về cách nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn trên Trang thông tin điện tử: http://vnmac.gov.vn/.

Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5.590.094 ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Cả nước hiện có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxin. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

Trong suốt gần 50 năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là việc ban hành các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn. Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” (Chương trình 504) nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 748/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025.

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long.

Cục Bảo trợ xã hội đã xây dựng triển khai phần mềm đăng ký và xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại một số địa phương. Cơ sở dữ liệu từ hệ thống phần mềm đã được ứng dụng trong cấp giấy xác định mức độ khuyết tật, quản lý trường hợp và hỗ trợ khám sức khỏe, phục hồi chức năng, sinh kế và đào tạo dạy nghề cho nạn nhân bom mìn tại các địa phương; chỉ tính riêng tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định nạn nhân bom mìn được quản lý trên hệ thống phần mềm là hơn 90.000 người.

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn về các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật; xây dựng phim, phóng sự về trợ giúp người khuyết tật chân dung điển hình trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học.

Năm 2023, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn 4/4/2023, tuyên truyền về thực trạng và hậu quả nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại Sơn La và Đồng Tháp đạt hiệu quả tốt; phối hợp với Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức trợ giúp sinh kế cho 113 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Năm 2023, bộ đội Công binh đã xây dựng kế hoạch rà phá bom mìn 1.500 ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn nặng trên địa bàn 2 huyện Vị Xuyên và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Đến nay, đã triển khai làm sạch được 1.232 ha (đạt 80% kế hoạch) bàn giao cho nhân dân lao động sản xuất và quy tập được 6 hài cốt liệt sỹ.

Năm 2023, VNMAC phối hợp với Tổ chức CRS Việt Nam với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang xây dựng và chuẩn bị công bố ra mắt Thư viện điện tử quốc gia về Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trong thời gian tới. Thư viện này sẽ được tích hợp trên Trang thông tin điện tử VNMAC tại địa chỉ http://thuviendientu.vnmac.gov.vn

Sau khi ra mắt, thư viện điện tử sẽ là một kho tư liệu, giới thiệu và lưu giữ đầy đủ các thông tin, tư liệu về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam từ trước đến nay.

Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia đã triển khai và kết thúc dự án “Hệ thống quản lý thông tin trong khắc phục hậu quả bom mìn” giai đoạn 2020-2023 theo kế hoạch; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giai đoạn 2023-2025, triển khai thực hiện; xây dựng văn kiện thực hiện dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”, báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt chủ trương; phối hợp xây dựng dự án hỗ trợ trang thiết bị do Nhật Bản tài trợ và dự án xây dựng thao trường huấn luyện tại Ba Vì do Hoa Kỳ tài trợ.

Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.
Kiến tạo tương lai cùng AI
Kiến tạo tương lai cùng AI
(Ngày Nay) - Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình “Giao lưu trực tuyến” với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.