Tiếp tục nghỉ học?

(Ngày Nay) - Tối 27/2, khắp các nhóm chat của phụ huynh và giáo viên cấp 1-2 ở Hà Nội sôi sục với 1 cuộc trưng cầu ý kiến khẩn cấp. Cho con đi học trở lại vào ngày 2/3 hay tiếp tục nghỉ? Đó là câu hỏi mà nhà trường gửi tới các phụ huynh. 
Tiếp tục nghỉ học? ảnh 1

Kết quả cuộc khảo sát này sẽ được thống kê và gửi tới Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, lấy đó làm cơ sở cho quyết định của lãnh đạo thành phố trong cuộc họp chiều nay.

Nhưng dựa vào kết quả được chia sẻ giữa các nhóm phụ huynh, có thể thấy cơ bản 80% phụ huynh chưa yên tâm để con tới trường.

Tôi đưa lên trang facebook cá nhân của mình một giả thiết có tính khiêu khích, đó là nếu viễn cảnh huỷ luôn năm học này, lúc đó mới xem tinh thần phụ huynh ‘cứng’ đến đâu. Kết quả, số phụ huynh vào bày tỏ tinh thần sẵn sàng cho con nghỉ học, học chậm lại 1 năm cũng chẳng sao so với cả đời người, nghỉ học cũng là cơ hội để gần gũi con cái hơn… chiếm đa số. Chỉ có rất ít người lo lắng, chủ yếu vì con của họ đang ở năm cuối cấp.

Đó là một chuyển biến tâm lý mạnh mẽ.

Suốt nhiều thập kỷ, cuộc đua thành tích của ngành giáo dục gây ra một sự ám ảnh liên đới tới phụ huynh và học sinh. Giữa thời bình, có nơi bọn trẻ thậm chí phải học ca 3 buổi tối. Lịch học chính dày đặc, lại còn lịch học thêm nghẹt thở. Học văn hoá đã đành, còn phải học cả những môn năng khiếu. Khẩu hiệu “Học - Học nữa - Học mãi” đã đúng theo nghĩa đen, trở thành nỗi ám ảnh của học sinh mỗi khi nhìn lên bảng.

Và đột nhiên, vì lý do bất khả kháng trước dịch Covid-19, tất cả cùng ngừng lại.

Không học chính, không học thêm, trẻ con ở nhà chơi dài đã hơn 1 tháng. Nhưng hoá ra không chỉ có chúng thích thú, mà cả phụ huynh lẫn các thày cô giáo cũng bỗng nhiên có một cơ hội thở phào.

Bỗng nhiên chúng ta có một cơ hội để nhìn nhận lại xem con mình có cần phải học nhiều đến thế không?

Bỗng nhiên chúng ta có một cơ hội để xem nếu không học ca 1, ca 2, ca 3 và ca 4, 5, 6… thì con mình sẽ thế nào?

Bỗng nhiên chúng ta có một cơ hội để cùng con xem lại tất cả bài vở (điều mà thực ra không phải phụ huynh nào cũng từng làm), lắng nghe xem con thích môn gì, có thiên hướng gì?

Bỗng nhiên chúng ta có một cơ hội để chơi với con, quan sát con mình đã trưởng thành đến thế (ồ, hoá ra chúng nó làm được ối việc, nhiều phụ huynh thốt lên).

Tiếp tục nghỉ học? ảnh 2

Trẻ em tự học và chơi tại gia đình trong thời điểm dịch Covid-19 đe doạ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nhưng đừng vội mừng. Không dễ mà virus corona có thể tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục. Những gì mà các phụ huynh đang thoả hiệp chỉ là tạm thời. Và ngay cả sự sẵn sàng cho con bỏ 1 năm học của chúng ta, cơ bản là bởi điều đó - nếu thành hiện thực - sẽ áp dụng cho tất cả. Nghĩa là cả cuộc đua cùng hoãn lại thì được, tất cả cùng ngừng thì được. 

Thế còn nếu tất cả cùng tiếp tục chạy?

Ngày hôm qua, khi câu hỏi khảo sát được gửi tới các phụ huynh, tôi đã đọc được một số phản hồi đại ý rằng, bố mẹ nào thì cũng lo lắng cho sức khoẻ của các con, nhưng tại sao nhà trường không quyết mà lại “đá quả bóng” sang sân cho bố mẹ quyết?

Ban đầu, tôi khá ngạc nhiên trước ý kiến này. Ủa, con của mình mà, sức khoẻ và an toàn của chúng với các phụ huynh là quan trọng nhất, tại sao lại muốn nhà trường hay Bộ GD-ĐT quyết thay việc này? Sao lại cho rằng “quả bóng” nằm ở sân này hay sân kia?

Nhưng rồi tôi hiểu, ý kiến đó cho thấy còn nhiều phụ huynh đã bị cuốn vào cuộc chạy đua học hành quá khốc liệt. Đến mức nếu trao cho họ quyền quyết định, họ sẽ lúng túng không biết nên thế nào. Chúng ta đã cùng cuốn vào 1 cuộc chạy đua, thì giờ chúng ta cũng chỉ yên tâm khi tất cả đều ngừng lại, và phải có ai đó quyết thay mình.

Tiếp tục nghỉ học? ảnh 3

Nếu đi học lại, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm hết sức cẩn thận. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Ngành Giáo dục không quyết được đâu. Ngay cả ngành Y tế cũng vậy. Đây là đề bài chưa bao giờ chúng ta đối mặt, mà lại bắt buộc phải giải chứ không thể bỏ qua. Vậy thì hãy tự quyết điều đó, các phụ huynh thân mến – đó là con em của chúng ta, những đứa trẻ của chúng ta cơ mà.

1 tháng học, thậm chí 1 năm học không ý nghĩa gì nhiều so với cả đời người. Việc đi học luôn phải là niềm vui, trong sự an toàn và mang lại giá trị về tri thức – nhân cách và thể chất. Cố chạy theo một cuộc đua mà làm gì, khi chúng ta đều hiểu rõ, cuối cùng thì trong cuộc đua học hành cho đến tận cuối đời, chúng ta luôn đối mặt với chính mình mà thôi.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.