Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đang bộc lộ những bất cập trong hiệu quả đầu tư và khai thác, làm "đau đầu" những người có trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa.
"Tiến hay thoái" đều khó
Không phải đến bây giờ, việc xuống cấp của một số công trình kiến trúc ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới được đề cập. Những người quản lý, thực hiện dự án đều hiểu các nguyên vật liệu truyền thống: gỗ, tranh, tre, nứa, lá... dùng để xây dựng các công trình sẽ không bảo đảm được độ bền vững, nếu không bảo dưỡng, duy tu thường xuyên. Có điều, quá trình xuống cấp đó đã diễn ra quá nhanh chóng và khá trầm trọng do điều kiện khí hậu ẩm thấp của vùng đồi núi Sơn Tây. Với các công trình kiên cố như tháp Chăm, chùa Khmer hay khu chợ vùng cao và một số kiến trúc nhà xây kiên cố thì không nói, nhưng với các công trình sử dụng chất liệu gỗ, tre trong làng lại khác. Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, tình trạng mối xông và bị mọt ăn, mục ruỗng ở các công trình là phổ biến, thậm chí nhiều cột nhà sàn đã bị mối, mọt "ăn rỗng" bên trong.
Nhà dân tộc Si La cửa đóng then cài im ỉm |
Lý giải về tình trạng này, Giám đốc Khu các làng dân tộc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Nguyễn Ðình Lợi cho biết: "Chúng tôi đã rất nỗ lực, song quả thật nhiều khi lực bất tòng tâm. Mối, mọt ăn nhanh quá, ngâm tẩm và phun thuốc liên tục cũng không tránh được. Do yêu cầu bảo đảm tính chân thực và nguyên gốc của công trình cho nên không thể sử dụng những vật liệu kiên cố kiểu bê-tông giả gỗ được". Ðó chỉ là một phần nguyên nhân khách quan mang lại cái khó cho công tác duy tu, bảo quản. Cái khó nữa còn xuất phát từ sự thiếu kinh phí và nhân lực thực hiện chăm sóc, bảo dưỡng. Ðiều này có thể thấy qua nguy cơ xuống cấp của nhiều đoạn đường lát đá, đổ bê-tông, các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt, đèn chiếu sáng gần như bị bỏ hoang... Chỉ nêu lên một vài con số thống kê, so sánh đủ thấy những bất cập: Trên một diện tích dự án bao gồm bảy khu chức năng rộng 198 ha mà chỉ có 34 bảo vệ và 20 người làm công tác dọn dẹp vệ sinh, bảo quản công trình hằng ngày.
Thực trạng nêu trên là đáng lo ngại cho một dự án lớn như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nếu cứ kéo dài đầu tư mà thiếu kinh phí và lực lượng bảo quản, duy tu thì mọi công sức, tiền của đầu tư sẽ trở nên lãng phí. Riêng tiền duy tu, bảo dưỡng công trình trung bình cho một năm, như 2013 tính ra là khoảng ba tỷ đồng, song mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% số công trình và phải kéo dài sang kế hoạch năm 2014 mà cũng chỉ đủ ưu tiên cho các công trình quan trọng.
Một vấn đề nan giải khác mà những người có trách nhiệm quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt là làm gì và làm như thế nào để đưa các công trình đã hoàn thành vào hoạt động và khai thác hiệu quả. Theo Ban quản lý Làng, số lượng khách mà Làng đón tiếp hằng năm là khá đông, riêng năm 2013 lên đến 250 nghìn lượt người, nhưng khách chỉ đến vào các dịp tổ chức những sự kiện kỷ niệm lớn, còn sau đó Làng lại trở về với cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Một trong những mục tiêu của dự án là đưa nơi đây trở thành trung tâm du lịch văn hóa, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và ngoài nước, song ở đây hiện chưa có bất cứ loại hình dịch vụ nào. Chúng tôi đã chứng kiến cả một khu rộng lớn bao gồm bảy cụm làng dân tộc, nhưng chỉ có duy nhất hai người hướng dẫn, thuyết minh viên và phải kiên trì lắm họ mới có thể trụ lại với nghề bằng đồng lương ít ỏi trong một khung cảnh buồn tẻ như vậy.
Một ngôi nhà treo biển di tu bảo dưỡng |
Hiện tại, dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang ở tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Trong tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước không thể ngay lập tức đầu tư một số tiền lớn vào dự án và cũng không thể cứ rót theo kiểu "nhỏ giọt" mỗi năm một ít. Nếu làm như vậy, dự án sẽ bị kéo dài về thời gian, không thể hoàn thành dứt điểm các công trình và không thể làm tốt được việc duy tu, bảo dưỡng.
Nên điều chỉnh lại quy mô dự án?
Khó khăn của dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho thấy, sự cần thiết phải điều chỉnh lại quy mô dự án; thúc đẩy tính chủ động, linh hoạt trong việc tìm hướng tháo gỡ, đầu tư và khai thác một cách hiệu quả; tăng công năng hoạt động của dự án, chứ không thể thụ động, chỉ nhăm nhăm trông chờ vào ngân sách nhà nước "rót xuống".
Sự điều chỉnh về quy mô dự án sẽ giúp đầu tư tập trung hơn, không thể dàn trải, ôm đồm với mong muốn phục dựng đầy đủ không gian kiến trúc, sinh hoạt của tất cả 54 dân tộc anh em, vừa không đủ kinh phí, vừa không đủ nhân lực và khả năng quản lý. Thay vào đó cần xây dựng hoàn chỉnh một số khu làng dân tộc tiêu biểu cho các vùng, miền để có thể đón khách với hệ thống dịch vụ đầy đủ. Việc điều chỉnh lại quy mô dự án sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho công tác bảo quản, duy tu các công trình, đồng thời tập trung được kinh phí cho các công trình kiến trúc trọng điểm. Ðó cũng là kinh nghiệm của một số nước trong khu vực khi xây dựng làng văn hóa dân tộc, chỉ bao gồm những không gian và mô hình kiến trúc tiêu biểu nhất, nhưng có dịch vụ hoàn hảo, thu hút đông du khách. Qua đó, bảo đảm được mục tiêu bảo tồn văn hóa, có nguồn thu để duy trì hoạt động và đầu tư trở lại.
Sàn nhà đã bắt đầu xuống cấp |
Trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương hạn chế, Ban quản lý làng mong muốn có cơ chế phối hợp với các địa phương trong việc "san sẻ trách nhiệm" đầu tư và vận hành các làng dân tộc, để cộng đồng các dân tộc thật sự là chủ thể của dự án. Thực ra, trong các sự kiện tổ chức lâu nay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các địa phương trong cả nước cũng đã phối hợp với Ban quản lý Làng để đưa các nhóm đồng bào dân tộc luân phiên về sinh hoạt, nhưng chỉ là vào dịp có các sự kiện là chính, chứ không thường trực và thường xuyên. Xem ra, với một số tỉnh, thành phố có khả năng kinh tế, việc đóng góp đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành một số công trình như thế cũng không phải là quá khó. Bên cạnh việc tìm kiếm và có một cơ chế ưu đãi đặc biệt, thu hút đầu tư vào dự án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho hoạt động của Làng. Theo lãnh đạo Ban quản lý Làng, nếu giữ được mực nước ổn định của hồ Ðồng Mô, không những bảo đảm được cảnh quan khu vực mà còn thu hút được dự án đầu tư của một số nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ động liên kết quảng bá, xây dựng sản phẩm
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để dự án đi vào hoạt động hiệu quả là phải có khách. Ðây là một trong những cái khó lâu nay của những người có trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của Làng. Gần như không có khách tham quan ngoài các kỳ tổ chức lễ hội có nguyên nhân quan trọng là công tác quảng bá yếu kém, chưa năng động xây dựng và mở rộng thị trường, tạo nguồn khách. Ðã từng có một hội nghị các hãng lữ hành được tổ chức và có nhiều ý kiến đóng góp, song từ đó đến nay, chưa có một đơn vị lữ hành nào đưa Làng vào tua du lịch của mình với một lý do đơn giản: Không có dịch vụ và sản phẩm phục vụ, nếu cố đưa khách đến sẽ ảnh hưởng đến uy tín các tua du lịch của họ. Nói thế có vẻ hơi quá, song quả thật bản thân Ban quản lý Làng cần chủ động liên kết các đơn vị lữ hành để xây dựng sản phẩm và dịch vụ. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện dịch vụ ở một số điểm làng dân tộc, như khu vực chợ vùng cao, tháp Chăm, chùa Khmer... để du khách đến đó vừa được tìm hiểu, khám phá văn hóa, xem tái hiện khung cảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc, được thưởng thức ẩm thực, mua bán đồ lưu niệm. Về lâu dài cần có một hình thức bán vé tham quan, để tạo nguồn thu cho Làng như nhiều bảo tàng, khu du lịch khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí cuối tuần ở Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong khu vực là khá cao, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Nếu năng động hơn, Ban quản lý Làng có thể chủ động triển khai hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị quân đội, khu công nghiệp - chế xuất... trên địa bàn thành phố tổ chức những chuyến sinh hoạt dã ngoại, tìm hiểu văn hóa các dân tộc tại Làng, như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ hay các trung tâm vui chơi kiểu như Thiên đường Bảo Sơn và một số khu du lịch sinh thái tại Sơn Tây đã và đang làm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần đề xuất và phối hợp thành phố Hà Nội để tạo điều kiện mở tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cố định vào hai ngày nghỉ cuối tuần, bởi ai cũng hiểu giao thông có đi lại dễ dàng mới hy vọng lôi cuốn được khách đến.
Ở một số nước trong khu vực như Thái-lan, Cam-pu-chia, Trung Quốc cũng có những làng văn hóa - du lịch các dân tộc do tư nhân đầu tư với quy mô vừa phải, đón rất đông khách tham quan với nhiều hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí thú vị. Những làng văn hóa dân tộc đó đã thật sự có đời sống của mình, có nguồn thu từ du khách mà vẫn quảng bá được văn hóa cũng như hình ảnh đất nước. Có lẽ, đó cũng là mô hình, hướng đi mà chúng ta nên học tập để mang lại hiệu quả trong đầu tư, khai thác hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Rất nhiều các hoạt động dân tộc cộng đồng trong nhiều năm qua diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện để cộng đồng các dân tộc được hội tụ về "ngôi nhà chung" để giao lưu, trao đổi, tôn vinh, bảo tồn văn hóa truyền thống. Và rõ ràng chỉ khi chúng ta được tham gia trực tiếp mới thấy được sự đặc biệt của tinh thần đoàn kết dân tộc. Có đồng bào các dân tộc thiểu số đến đây, thấy ngôi nhà, ngôi làng của mình ngay giữa Thủ đô Hà Nội đã xúc động đến rơi nước mắt. Ðiều này chứng tỏ rằng, giá trị văn hóa tinh thần rất lớn và lòng tự tôn, tự hào được nâng lên rất nhiều. Chúng ta nên có cách nhìn rộng hơn, xa hơn. Bây giờ có thể còn đang ở giai đoạn xây dựng nhưng công năng của làng nhiều năm sau sẽ hoàn thiện hơn.
Hoàng Đức Hậu
Vụ trưởng Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)