Tín dụng đen hoành hành xóm trọ: Sống trong sợ hãi

Khi công nhân không có khả năng trả nợ, các băng nhóm cho vay sẽ đe dọa, bắt giữ người, đánh đập gây thương tích.

Liên quan đến tình hình hoạt động của các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi tại TP HCM, đặc biệt là các KCX-KCN tập trung đông công nhân (CN), trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết số vụ khởi tố về tội cho vay nặng lãi rất ít. "Các đối tượng cho vay nặng lãi dùng các chiêu thức khác nhau để gây áp lực về mặt tinh thần đối với người vay như ném chất bẩn, hăm dọa… Hành vi đó nếu bắt quả tang chỉ có thể phạt hành chính. Nhiều nạn nhân không chịu trình báo hoặc nếu có khai báo khi công an vào cuộc cũng khó chứng minh việc vay mượn tiền lãi suất cao" - ông Thắng nói.

Gia đình ly tán

Trong hơn một tháng thực hiện loạt bài, chúng tôi đã tiếp xúc rất nhiều CN là nạn nhân của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Vì một lý do nào đó mà không trả được nợ thì đồng nghĩa với cuộc sống yên ổn hằng ngày của họ cũng chấm dứt. Bởi các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi không chỉ dọa dẫm mà còn ra tay trấn áp con nợ.

Hơn 2 tháng qua, anh Võ Kim Ngọc, 38 tuổi, CN tại KCX Tân Thuận (quận 7) không dám về căn nhà tại huyện Nhà Bè do lo sợ các đối tượng cho vay đến đòi nợ. Trước đó, khi vợ bị tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu, do không xoay xở kịp tiền để lo viện phí nên anh liên lạc vay tiền theo số điện thoại trên một tờ rơi quảng cáo cho vay tín chấp. Chỉ sau một cuộc điện thoại, hai thanh niên ăn mặc lịch sự đến tận nhà anh để tư vấn. "Sau chúng xem sổ hộ khẩu, thẻ CN, yêu cầu tôi ký tên vào hợp đồng vay mượn với số tiền 15 triệu đồng. Thời hạn vay là mỗi ngày tôi phải trả cho chúng 200.000 đồng tiền lãi. Tuy nhiên, khi ký xong tôi chỉ nhận 11 triệu đồng. Tôi thắc mắc thì chúng giải thích đã trừ lãi suất tháng đầu không cần phải đóng" - anh Ngọc nhớ lại.

Chữ ký trong hợp đồng cho vay chưa ráo mực thì một trong 2 thanh niên yêu cầu anh Ngọc đưa thẻ ATM. Chúng nói khi nào đến ngày anh Ngọc nhận lương thì sẽ hẹn nhau đi rút tiền. Vay đúng 1 tuần, anh bắt đầu nhận ra mình đã rơi vào bẫy của bọn bất lương bởi chúng liên tục nâng tiền lãi từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng/ngày. Do thu nhập hằng tháng chỉ 6 triệu đồng/tháng nên anh Ngọc không thể trả lãi đúng hạn. Thế là liên tục trong vòng 1 tháng, những đối tượng lạ mặt, vẻ hung dữ tìm đến trước công ty rồi theo chân anh về tận nhà hăm dọa yêu cầu trả tiền. Điều khá bất ngờ là từ một chữ ký nhỏ, chúng đã tự sao chép lại và vẽ ra 3 giấy nợ với khoản tiền lên đến 60 triệu đồng. Khi anh Ngọc phản ứng thì nhiều đêm căn nhà của anh nhận lại những trận "bom" bẩn gồm hỗn hợp mắm tôm, sơn đỏ, thậm chí chúng còn treo đầu chó ngay trước cửa nhà anh. Chịu không nổi, anh Ngọc buộc phải bán xe máy để trả nợ nhưng vẫn không được buông tha. Lo cho tính mạng của gia đình, anh Ngọc đành phải gửi vợ con về quê sinh sống. Riêng anh bỏ luôn việc ở công ty và khóa trái cửa không dám về nhà. "Chỉ cần một lần sa chân là gia đình ly tán" - anh Ngọc ngán ngẩm.

Tín dụng đen hoành hành xóm trọ: Sống trong sợ hãi ảnh 1

Công an khám xét nhà một băng nhóm cho vay nặng lãi tại quận Tân Phú, TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG

Bị bắt cóc, tống tiền

Tương tự, chị Lê Thị Thanh T. (32 tuổi, quê Long An) hiện là CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) cũng có quãng thời gian khốn khổ không kém do vướng vào bẫy của các băng nhóm cho vay nặng lãi.

Trong lúc thiếu tiền lo cho hai con vào năm học mới, chị T. được một đồng nghiệp giới thiệu vay tiền từ một đường dây cho vay tín dụng. Từ số tiền 30 triệu đồng, 2 tháng sau đó nợ của chị T. nhảy lên 110 triệu đồng. Không kham nổi việc trả nợ (400.000 đồng/ngày), hết giờ làm chị T. phải trốn vào đám đông hoặc ở lại công ty đến tối mới dám về. Thế nhưng, nhóm người cho vay nặng lãi không buông tha chị. Đầu tháng 6-2018, khi vừa bước lên xe đưa đón CN để về nhà, chị T. bị một nhóm người lạ mặt chặn lại, đưa lên xe máy chở tới một căn nhà ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Tại đây, nhóm người trên vừa hăm dọa vừa cầm dao cắt tóc của chị T. Dù chị van xin nhưng chúng vẫn ra tay đánh đập. Hơn 1 giờ bắt cóc, khi biết không thể nào lấy được tiền từ chị T., nhóm người này quay sang gọi điện thoại cho chồng chị T. và hăm dọa nếu không trả tiền thì khó bảo toàn mạng sống cho vợ. May cho chị T. là người nhà nhanh trí báo lại vụ việc cho công an địa phương đến giải cứu. "Tui tởn đến già" - chị T. nói. 

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).