Chiều 6/6, tin từ Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế, cho biết, cơ quan này vừa nhận báo cáo khẩn từ UBND xã Lộc Vĩnh về việc tôm nuôi gần vịnh Chân Mây chết hàng loạt nghi do nguồn nước ô nhiễm thải ra từ túi bùn “khủng” thuộc dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây.
Được biết, nơi xảy ra tôm nuôi chết hàng loạt, số lượng 272 vạn con gần đến kỳ thu hoạch, thuộc khu vực gần cửa biển Lạch Giang thông ra vịnh Chân Mây, với diện tích ao nuôi rộng gần 55.000m2. Tôm chết hàng loạt đã gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho 7 hộ nuôi thuộc địa bàn xã Lộc Vĩnh. Theo phản ánh của ngư dân, tôm chết hàng loạt sau khi người nuôi cho bơm nước biển vào ao hồ, trong khi, nguồn nước này nghi bị ô nhiễm do quá trình nạo vét đáy biển thuộc dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây vừa khởi công.
Qua khảo sát của UBND xã Lộc Vĩnh, hiện có những nhà thầu thực hiện thi công hút bùn nhiễm mặn, cát biển ngậm nước đưa vào bên trong khu vực đầm tôm (đã giải phóng mặt bằng), cách không xa các ao hồ tôm vừa bị chết hàng loạt nằm bên kia sông Lạch Giang.
Báo cáo của UBND xã Lộc Vĩnh nêu rõ, căn cứ hiện trường, lượng bùn đặc và loãng thải ra tại khu vực cầu cảng số 2 và số 3, cũng như tại cửa biển Lạch Giang, có độ dày có nơi lên đến gần 1 mét. Nguồn nước màu xám đen theo triều cường đã trôi dạt vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân Lộc Vĩnh.
Một cán bộ xã Lộc Vĩnh còn cho biết, trước thực trạng đáng báo động nêu trên, chính quyền xã đã yêu cầu các nhà thầu tạm thời dừng hút bùn xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây để cơ quan chức năng xác định nguyên nhân thủy sản chết hàng loạt, tuy nhiên, những đơn vị này đã bất hợp tác. Trong ngày 6/6, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh TT-Huế đã tiến hành lấy mẫu nước tại khu vực vùng nuôi tôm và vịnh Chân Mây để phân tích, tìm nguyên nhân tôm chết hàng loạt.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây vừa được khởi công tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế). Chủ đầu tư chấp thuận cho các nhà thầu hút bùn nhiễm mặn từ đáy biển đổ lên đất liền, với khối lượng gần 1 triệu m3, hiện làm dấy lên nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường đất đai, nguy cơ ảnh hưởng hạ tầng giao thông và hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, gây mất an toàn vận hành lưới điện…
Theo Tiền Phong