Theo ông Phạm Đức Hải, hiện nhiều trang mạng xã hội đang lan truyền các tin nhắn, kế hoạch được cho là của UBND TP HCM về việc bắt đầu thực hiện sống chung với COVID-19 kể từ ngày 15/9 như: mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được tái khởi động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch; việc mở cửa lưu thông đối với người dân được thực hiện có lộ trình, tăng dần theo tỉ lệ lần lượt 30%, 50%, 70%; các hoạt động nguy cơ cao sẽ giảm quy mô hoặc không được hoạt động; cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online cho người dân; bắt đầu thu phí dịch vụ điều trị COVID-19…
Ông Phạm Đức Hải khẳng định, những thông tin này là sai sự thật.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số thông tin về việc người dân đã tiêm một hoặc đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được ra đường, đi làm, tham gia giao thông sau ngày 6/9 và 15/9.
Vị này cho biết, sau khi đại dịch được kiểm soát, TP HCM sẽ có quy định cụ thể về từng đối tượng được hoạt động. Hiện chưa có thông tin cụ thể, các kế hoạch phải do UBND TP HCM ban hành nên người dân không nên tin vào các thông tin lan truyền thất thiệt trên mạng mà hãy kiên nhẫn chờ những thông báo chính thức từ lãnh đạo thành phố.
Đến ngày 6/9, vấn đề được nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm là về thời hạn của giấy đi đường do Công an TP HCM cấp phát.
Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết, quyết định của UBND TP HCM kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào, Công an Thành phố sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp đến ngày đó. Công an Thành phố sẽ không đổi giấy đi đường để tránh gây thêm phiền phức cho các đối tượng đã được cấp.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian tới, đối với các địa phương kiểm soát được tình hình dịch như Quận 7, huyện Củ Chi…, thành phố sẽ có các phương án khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh về kinh tế và đời sống của người dân.
Công an TP HCM đã tính đến nhiều giải pháp để đến khi thành phố đặt ra các tiêu chí an toàn (hiện vẫn đang bàn luận) như: tiêm vaccine, xét nghiệm, tuân thủ các quy định về 5K trong các hoạt động, lưu thông có điều kiện… sẽ áp dụng kịp thời.
Theo đó, Công an TP HCM đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cập nhật dữ liệu liên quan tới tiêm ngừa vaccine, bệnh nhân mắc COVID-19, an sinh xã hội, các trường hợp được cấp giấy đi đường... vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi thành phố đặt ra các điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông, Công an Thành phố sẽ quản lý được thông qua mã QR.
Hiện nay, Công an TP HCM đang mở rộng thêm các điểm kiểm soát quét mã QR để kiểm tra diện lưu thông trên đường xem có đúng tiêu chuẩn, tiêu chí hay không. Khi hoàn thành, không cần tới giấy đi đường vẫn có thể xác minh được người dân có thuộc đối tượng được lưu thông hay không.