Tại kỳ họp bất thường của HĐND TP HCM về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải ngày 11/6, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo trong tháng 7 chủ đầu tư 4 khu xử lý rác Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân vào giám sát tình hình môi trường.
"Điều này được đặt ra sau khi xảy ra tình trạng ô nhiễm mùi từ một số khu xử lý", ông Khoa nói và dẫn chứng khu xử lý rác Đa Phước vừa bị phạt gần 1,6 tỷ đồng do vi phạm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành vào cuối năm ngoái.
Phó chủ tịch phụ trách khối giao thông - đô thị của TP HCM cho biết, sau khi người dân phản ánh mùi hôi vào giữa năm ngoái, thành phố yêu cầu Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) triển khai 10 giải pháp để giảm thiểu mùi hôi, bảo vệ môi trường.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 phải chuyển 1.000-2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, số rác còn lại phải tăng cường xử lý tốt. Hiện bãi rác Đa Phước xử lý khoảng 5.300 tấn/ngày, có một trạm quan trắc tự động được lắp đặt tại đây và sắp tới sẽ truyền dữ liệu về cơ quan chức năng để giám sát thường xuyên hơn.
Về các khu xử lý chất thải khác, ông Khoa cho biết thêm từ nay đến 31/7, UBND thành phố sẽ rà soát hết các dự án xử lý chất thải, phải có báo cáo nghiệm thu về bảo vệ môi trường để đến cuối năm nay tất cả các dự án bắt buộc phải có nghiệm thu về môi trường. "Sau ngày 31/12 những đơn vị không chấp hành, tùy theo mức độ vi phạm thành phố sẽ phải yêu cầu ngưng hoạt động", ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết tâm cơ giới hóa việc quét dọn, các tổ vận chuyển rác dân lập cần cải thiện phương tiện vận chuyển, phương tiện bảo hộ lao động. Về việc nên tổ chức các hình thức cho bà con dân lập thông qua các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp để bảo hộ lao động, sức khỏe tốt hơn.
Về lộ trình, UBND thành phố cố gắng đến 2020 bình quân phân loại rác tại nguồn trên 50%. Vấn đề vận chuyển, phân bổ giờ, tình hình thực tế hiện nay là 16 quận, huyện vận chuyển cho bãi rác Đa Phước, 8 quận huyện cho bãi rác Tây Bắc Củ Chi.
Trước đó, trong phần chất vấn, đại biểu Võ Thanh Luân đề nghị thành phố nên đề ra chế tài xử lý những hộ dân không thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn bên cạnh chính sách khuyến khích. Thành phố nên lập lực lượng phạt hành vi vứt rác bừa bãi tạo ra nhiều ụ rác vô chủ trong khu dân cư gây ô nhiễm.
"Tại sao ở nước ngoài người ta một cọng rác, một mẫu kẹo cao su cũng không dám xả, vì họ phạt rất nặng, còn ở ta thì vô tư quăng cả bao rác ra đường. Nhiều người bảo do nước mình còn nghèo, xin thưa là nghèo không đồng nghĩa là ý thức kém", ông Luân bức xúc.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đề xuất thành phố nên có chính sách hỗ trợ, như giảm tiền thu gom rác cho các hộ dân nào thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn để khuyến khích người dân phân loại rác hơn nữa bởi tỷ lệ phân loại hiện còn thấp.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng nói rằng, yếu tố xanh - sạch - đẹp của môi trường sẽ thu hút khách du lịch và thành phố cần phải ưu tiên giải quyết các điểm nóng về môi trường kênh rạch, đô thị, tăng nặng xử phạt các hành vi vi phạm môi trường. Song song đó, thành phố nên lồng ghép việc giáo dục về môi trường vào học đường, ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại...
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, mỗi ngày thành phốthải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt và tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm đến 76%. Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn mỗi ngày với giá 20,9 USD mỗi tấn, Công ty Vietstar Lemna (Mỹ) xử lý làm phân compost 1.500 tấn mỗi ngày với giá 19 USD mỗi tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn với giá 20,38 USD mỗi tấn và Công ty Môi trường đô thị TP HCM chôn lấp 500 tấn mỗi ngày với giá 360.000 đồng mỗi tấn.