Mức lương tối đa 120 triệu đồng/tháng cho lãnh đạo làm khoa học
Theo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trong Dự thảo “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”, mức chi tiền lương, tiền công các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực, yêu cầu công việc và thỏa thuận.
Theo đó, người đứng đầu tổ chức được hưởng lương 60 - 120 triệu đồng/tháng. Các cấp phó, trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác thuộc tổ chức được hưởng mức lương 30 - 100 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí công việc. Mức thù lao này sẽ được xem xét tăng 5% mỗi năm theo kết quả hoạt động của lãnh đạo làm việc tại các đơn vị nhưng không quá mức trần quy định ở trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đề xuất không chỉ mức lương mà còn có thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học cùng các chế độ phúc lợi khác đều cao hơn mức bình thường dành cho chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Bên cạnh đó, việc đề xuất mức lương tối đa 120 triệu đồng/tháng không dừng lại ở việc tăng thu nhập cho người làm khoa học mà Thành phố Hồ Chí Minh còn hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu trên địa bàn Thành phố được quốc tế công nhận. Những trung tâm này được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đề xuất phát triển thành những trung tâm “đầu tàu” nhằm thúc đẩy kinh tế Thành phố thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học. Thành phố sẽ tập trung nguồn lực vào 1-2 đơn vị chủ lực bằng việc đầu tư trang bị, cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng chế độ làm việc cho nhân sự, trong đó có ưu đãi về thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương cũng cho biết, điều kiện để lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học nhận được mức thù lao cao, ngoài các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo nhà nước, bằng cấp, học hàm, học vị, người đứng đầu phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì Thành phố đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện định kỳ 3 - 6 tháng để kiểm tra tiến độ công việc, chỉ tiêu đặt ra nhằm thể hiện tính trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức khoa học với cơ chế đánh giá các chỉ tiêu có đạt theo tiến độ đã đề ra.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc
Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hiện có 3 đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động gồm: Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị đều thực hiện kế hoạch kiểm soát xử lý mùi hôi, diệt ruồi muỗi, côn trùng trong khu vực vận hành xử lý chất thải và khu vực nhà dân xung quanh khu xử lý. Công tác này nhận được sự đồng thuận phối hợp của người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải.
Đồng thời, các đơn vị xử lý chất thải thường xuyên liên hệ và làm việc với Ủy ban nhân dân các xã để nắm bắt thông tin phản ánh của địa phương, từ đó có biện pháp điều chỉnh, khắc phục những ảnh hưởng không mong muốn đến người dân xung quanh khu xử lý.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố) có lực lượng cán bộ được phân công giám sát liên tục hoạt động các cơ sở xử lý chất thải và giải quyết các công việc phát sinh.
Ngay khi có phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các nhà máy xử lý rác, Ban Quản lý sẽ phối hợp chính quyền địa phương để điều tra, xác minh qua số điện thoại về tác động ô nhiễm môi trường như mùi hôi và nước rỉ rác.
Từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý có quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: tổng đài phục vụ tiếp nhận 24/7 thông tin phản ánh của người dân 1022 (Tổng đài 1022), Ủy ban nhân dân các quận huyện, phường xã; đường dây nóng từ các cơ quan chức năng phối hợp khác. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.