Đó là thông tin đáng chú ý được ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, tổ chức vào chiều 30/8.
Ông Phạm Đức Hải khẳng định, thành phố miễn phí chi phí xét nghiệm 100% cho đội ngũ này. Thời gian xét nghiệm là từ 5 giờ tới 6 giờ sáng hàng ngày, tại 411 trạm y tế lưu động và 312 trạm y tế phường, xã. Shipper ở quận nào thì xét nghiệm ở quận đó. Sở Y tế cam kết đảm bảo thực hiện việc xét nghiệm đúng thời gian.
Trước đó, ngày 29/8, UBND Thành phố có văn bản 2925/UBND-ĐT gửi các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố về việc lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Văn bản nêu rõ, từ ngày 30/8 đến khi có thông báo mới, lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp quản lý shipper, yêu cầu cung cấp danh sách thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.
Đội ngũ shipper tại 8 quận “vùng đỏ” phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19. Việc xét nghiệm nhanh thực hiện 1 lần/ngày theo mẫu gộp 3 người. Đối với đội ngũ shipper hoạt động ở 14 quận còn lại (đã được hoạt động trước đó), thì phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19. Việc xét nghiệm nhanh thực hiện 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. Công an thành phố thống nhất với Sở Công Thương về phương án hoạt động của shipper; kiểm tra thường xuyên hoạt động của lực lượng này theo hình thức tra cứu trực tuyến thông tin shipper khi lưu thông ra đường theo quy định; đồng thời, xử lý nghiêm khi có hành vi vi phạm.
Về vấn đề tái triển khai việc khai báo di biến động dân cư khi qua các chốt kiểm soát trong nội ô, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, qua 2 ngày thực hiện, tại các chốt kiểm soát không xảy ra ùn tắc. Người lưu thông đã nắm được quy định nên đảm bảo việc khai báo mã QR code rất nhanh chóng. Về mật độ giao thông trên đường, lượng phương tiện giảm sâu so với trước khi Thành phố áp dụng tăng cường giãn cách xã hội và duy trì ổn định trong những ngày qua, không có thay đổi đáng kể.
"Giai đoạn này chúng ta đã đạt được mục tiêu "ai ở đâu thì ở đấy". Trong các khu dân cư người dân ở nhà rất nghiêm túc, không còn tình trạng "ngoài chặt trong lỏng". Mong rằng người dân tiếp tục duy trì, cố gắng giữ được thành quả đã đạt được", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng phương tiện giảm tập trung là xe máy. Dù kiểm soát chặt chẽ nhưng lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng so với cùng kỳ năm 2020 chỉ giảm 10%. Số lượng xe được cấp "luồng xanh" trung bình mỗi ngày là 4.000 xe. Trong ngày 30/8, Sở đã cấp "luồng xanh" cho 4.300 xe.
Về diễn biến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang điều trị 40.133 bệnh nhân, trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 29/8, thành phố có 2.372 bệnh nhân xuất viện, 245 trường hợp tử vong. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 29/8 là 6.123.510 (tăng 258.234 mũi so với ngày 28/8). Tính từ ngày 15/8 đến 30/8, thành phố đã chuyển tới các quận, huyện, thành phố Thủ Đức là trên 1 triệu túi an sinh để phát cho người dân.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Phạm Đức Hải, sau 7 ngày siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, thành phố đã cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra. Ông Hải lấy ví dụ về số người tử vong do COVID-19 vào ngày 22/8 (ngày chưa siết chặt giãn cách xã hội) là 340 người. Ngày 29/8 số người tử vong giảm, còn 245 người.