Trăn trở "bài toán" thu hút tài năng trong đào tạo nghệ thuật Xiếc

(Ngày Nay) - Lâu nay, việc tuyển học viên theo ngành Xiếc rất khó khăn, bởi số lượng học sinh theo học đã ít, trải qua thời gian sàng lọc và đào thải khắc nghiệt, số lượng học viên còn trụ lại càng ít hơn…
Trăn trở "bài toán" thu hút tài năng trong đào tạo nghệ thuật Xiếc

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, công tác đào tạo xiếc hiện nay cần được cần sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội.

Trăn trở đào tạo xiếc

Tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024 mới đây, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã giành được 7 giải thưởng cao, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì cho tiết mục, 1 giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng, 2 giải Diễn viên triển vọng và Diễn viên trẻ xuất sắc do Liên chi hội Xiếc Việt Nam trao, 1 giải do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao. Để có được thành tích đáng nể đó, thầy và trò Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều.

Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, Trường là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kỹ, hơn 90% số lượng diễn viên xiếc hiện nay được đào tạo tại trường. Trước đây, trường đã từng rất vất vả trong tuyển chọn học sinh do đặc thù nghề xiếc học khó, học khổ, học trong thời gian dài, nhưng tuổi nghề lại ngắn, chế độ đãi ngộ lại chưa cao… Vì thế, lâu nay, công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Xiếc không dễ dàng, rất cần sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng, một trong những trở ngại rất lớn là đối tượng tuyển sinh còn nhỏ tuổi. Các em mới 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy giáo quản sinh phải ngủ đêm tại ký túc xá. Nhiều năm nay, Trường luôn phải đến tuyển sinh ở nhiều vùng khác nhau. Có nhiều em hứng thú nhưng còn phải xin ý kiến bậc phụ huynh. Thấu hiểu tâm lý cha mẹ lo sợ nghề Xiếc nguy hiểm, quá trình đào tạo khắc nghiệt, Trường cũng đã tư vấn, thuyết phục, rồi mời cha mẹ các em lên tận trường tham quan, tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xiếc.

Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng cho biết, mùa tuyển sinh năm 2024, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh dự thi đã tham gia vòng Sơ tuyển, tiếp đó khoảng 400 em được chọn và sàng lọc qua các vòng Trung tuyển và Phúc tuyển thì số học sinh nhập học là 48 em.

“Lâu nay công tác tuyển sinh chỉ thu hút các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đang dần cởi mở hơn”, Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng bày tỏ.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trăn trở, thực tế, sau khấu tuyển sinh, những bất cập liên quan tới việc đào tạo nghề Xiếc cũng đã được nhắc nhiều tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành. Đó là việc thí sinh được đào tạo dài (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại có tuổi nghề ngắn.

“Một giáo viên bình thường đứng lớp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất cũng phải có 30 - 40 em/lớp. Nhưng do yêu cầu đặc thù, ở xiếc đôi khi một thầy dạy một học sinh trong suốt quá trình 5 năm cho một thể loại tiết mục. Hơn thế, tấm bằng trung cấp, hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét là diễn viên hạng 4, quá thiệt thòi khi để trở thành diễn viên xiếc phải có năng khiếu, tài năng…”, Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng chia sẻ.

Cần chế độ đãi ngộ tốt hơn

Xuất phát từ những bất cập trong công tác đào tạo xiếc, Nghệ sỹ Ưu tú Ngô Lê Thắng bày tỏ, các cơ sở đào tạo nghệ thuật rất mong chờ các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, quan tâm tới điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có các quy định phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành. Trong đó, cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật.

Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, để nghệ thuật xiếc Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần phải có sự thay đổi trong chế độ đãi ngộ. Theo Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, đặc thù nghệ sỹ xiếc rất vất vả, lao động cường độ cao nhưng đầu ra khi tốt nghiệp trường xiếc hiện chỉ là trung cấp. Mức lương khởi điểm của nghệ sỹ xiếc vẫn là hạng 4, quá thấp so với tài năng, cống hiến của họ. Bên cạnh đó, chế độ bồi dưỡng chưa được “cởi” để ngành Xiếc có thể kêu gọi, thu hút được nhân lực trẻ; một số nghệ sỹ được đào tạo chính quy, khi ra trường chọn những đơn vị có thu nhập cao hơn, thay vì gắn bó với xiếc...

Thêm vào đó, do đặc thù tuổi nghề của nghệ sỹ xiếc rất ngắn, có khi 35 - 40 tuổi đã phải dừng làm nghề, trong khi tuổi lao động của nghệ sỹ vẫn còn dài, bởi vậy các nghệ sỹ xiếc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ban, bộ, ngành, để có một cơ chế đặc thù, mức lương cơ bản bảo đảm để các nghệ sỹ xiếc yên tâm tập luyện, cống hiến. “Với nghệ thuật xiếc, nếu như diễn viên vẫn phải lo cơm áo, gạo, tiền, phải chia sẻ thời gian để mưu sinh, không tập trung trí lực vào luyện tập thì rất khó có được những thế hệ nghệ sỹ tài năng”, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Thực tế, trong chương trình trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất giảm độ tuổi nghỉ hưu cho viên chức lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có diễn viên xiếc. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho nghệ sỹ biểu diễn sau thời kỳ đỉnh cao. Đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”…

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc đầu tư cho công tác đào tạo, chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương cho các vận động viên thể thao cũng như các diễn viên còn rất thấp, nên chưa thu hút được tài năng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đang đề nghị Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan, nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, nghệ sỹ, để thu hút các tài năng cho lĩnh vực này.

Hy vọng, trong tương lai không xa, những đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được chấp nhận, chế độ đãi ngộ cho các nghệ sỹ tốt hơn, các nghệ sỹ yên tâm làm nghề và nghệ thuật xiếc nói riêng, nghệ thuật Việt Nam nói chung sẽ có nhiều nghệ sỹ tài năng hơn.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.