Chiều qua, 10/3, công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC - nhà sáng lập app 9999 Tết phối hợp cùng báo Dân Trí tổ chức Tổng kết và trao thưởng cho những tập thể, cá nhân đóng góp ý kiến, sáng kiến hoàn thiện app.
Ban tổ chức đã tiến hành trao Giải thưởng “9999 Tết” với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 30 tỷ đồng, giải thưởng giá trị nhất là 1 tỷ 500 triệu đồng và nhiều giải thưởng ý nghĩa khác như: Giải dành cho cá nhân hoặc tập thể đóng góp ý tưởng hay nhất về nội dung, công nghệ, thiết kế cho “9999 Tết”; giải thưởng chia sẻ ứng dụng 9999 Tết trên mạng xã hội; giải thưởng cho người sử dụng ứng dụng và chơi “Lắc cùng Pigo - rinh lộc đầu xuân”,…
Ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao giải Đặc biệt hạng mục giải tập thể trị giá 1 tỷ 500 triệu đồng cho đại diện TP. Hà Nội. |
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, TS Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét: “9999 Tết” là ứng dụng hữu ích, có tính văn hoá, nhân văn rất cao. Ứng dụng phù hợp với định hướng, chủ trương phát triển hệ sinh thái số của Việt Nam, trong đó người Việt sử dụng sản phẩm, công nghệ số của người Việt, tạo ra bằng công nghệ Việt trong không gian mạng, đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội học tập".
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định: “9999 Tết” là một ứng dụng ngay từ khi mới ra đời đã gây chấn động, thể hiện hành trình đi tiên phong trong công nghệ số, trở thành một cuốn bách khoa toàn thư, một trợ lý biết tuốt cho người dân, đưa khái niệm 4.0 tưởng chừng xa vời đến với mọi người dân”.
Là một người dùng 9999 Tết, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng nhận xét và khẳng định “AIC đã phát hiện ra một cánh cửa hẹp, mở ra một không gian rộng lớn về công nghệ, trí tuệ nhân tạo”.
Thao tác dễ dàng những ứng dụng trên “9999 Tết”, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam xúc động cho biết: “Bên cạnh những ứng dụng tiện ích cho đại đa số người dân, các nhà sản xuất ứng dụng đã quan tâm đến việc tiếp cận cho người khiếm thị khi đã tích hợp vào app phần tổng hợp tiếng nói với bộ đọc 3 miền (Bắc, Trung, Nam), giúp người khiếm thị có thể nghe và thao tác dễ dàng”.
App "9999 Tết" là ứng dụng tổng hợp thông tin miễn phí, phục vụ cộng đồng. |
Chia sẻ tại Lễ tổng kết, viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm TGĐ AIC cho biết, với định hướng hoàn toàn phi lợi nhuận, “9999 Tết” phát triển ứng dụng với nhiều nội dung phong phú. Hướng tới mục tiêu trở thành “Bách khoa toàn thư” về Tết và các sự kiện trọng đại khác trong tương lai, “9999 Tết” giúp mọi người có nhiều thuận tiện trong các lĩnh vực đời sống thông qua 9 mục, gồm: Văn hoá Thể thao; Du lịch và Lễ hội; Giao thông; Giải trí; Mua sắm, Sức khỏe Đời sống; Trợ lý ảo thông minh; Giải thưởng và Góp ý.
“Chúng tôi làm ra ứng dụng với tâm sáng và tinh thần hết sức cầu thị. Mục đích chính là tạo ra một nền tảng, một hệ sinh thái tổng hợp, hướng tới một quốc gia thông minh và tiện ích để phục vụ miễn phí cho xã hội, giúp mọi người, mọi tầng lớp đều được trải nghiệm, được chạm tay vào giấc mơ 4.0 mà ai ai cũng nghe đến, nói đến. Chúng tôi mong muốn góp phần hiện thực hoá tầm nhìn lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các tiện ích số để phục vụ người dân trên mọi phương diện suốt 365 ngày trong năm, và “9999 Tết” thực sự mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu. Từ nền tảng này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển để sớm giúp đỡ mọi người có được công cụ hỗ trợ đắc lực cho mọi nhu cầu cuộc sống ngay trên đầu ngón tay”, bà Nhàn nói.
Bà Nhàn cũng cho biết thêm, sau sự kiện App 9999 Tết kết thúc, AIC đang tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, toàn diện và rà soát lại tất cả những vấn đề làm được, chưa được; những tiện ích thiết thực người dân mong đợi, để trong tương lai đưa ra các giải pháp và biện pháp hoàn chỉnh, nâng tầm chuyên nghiệp cho ứng dụng; hướng tới hệ sinh thái tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, nhiều sự kiện trong năm để phục vụ các đối tượng khác nhau. Không những vậy, app còn là nơi giới thiệu về cảnh đẹp, đất nước con người Việt Nam nói chung, các tỉnh thành và Thủ đô Hà Nội nói riêng bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Đặc biệt, app sẽ được phát triển thêm các ứng dụng phục vụ những người yếu thế trong xã hội: Người khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính. Những nội dung này, AIC đã tập trung nghiên cứu trong thời gian dài vừa qua, đến nay đã hình thành gần hoàn chỉnh các phần mềm dành riêng cho những đối tượng trên. Trong tương lai rất gần, AIC sẽ tặng cả phần mềm và hàng ngàn điện thoại miễn phí ban đầu cho các đối tượng đặc biệt này.
Được biết, trong nhiều năm qua AIC Group không ngừng nỗ lực nghiên cứu và đã hoàn thành nhiều phần mềm ứng dụng đặc biệt là để phục vụ cho việc xây dựng quốc gia thông minh, thành phố thông minh tại nhiều bộ ngành và tỉnh, thành phố. Mới đây AIC và cá nhân viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được quốc tế trao giải thưởng “kép”: “Ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất”, “CEO có tầm nhìn xuất sắc nhất về quốc gia thông minh”.
Bên cạnh hệ thống giải thưởng cá nhân, các địa phương có số người tải ứng dụng nhiều nhất và đóng góp nhiều ý kiến nhất đã được tặng thưởng bằng các suất học bổng, khám bệnh miễn phí tương ứng cho hàng chục ngàn người.
Giải Đặc biệt: 300 suất học bổng cho học sinh nghèo và 2.000 lượt khám bệnh cho người nghèo miễn phí.
3 giải Nhất bao gồm: 250 suất học bổng học sinh nghèo và 1.500 lượt khám bệnh cho người nghèo miễn phí.
3 giải Nhì bao gồm: 200 suất học bổng cho học sinh nghèo 1.000 lượt khám bệnh cho người nghèo miễn phí.
6 giải Ba 150 suất học bổng cho học sinh nghèo và 800 lượt khám bệnh cho người nghèo miễn phí.
6 giải Khuyến khích bao gồm: 100 suất 500 lượt khám bệnh cho người nghèo miễn phí.
Ngoài ra, người trúng giải nằm trong danh sách các đối tượng ưu tiên của chương trình như học sinh, sinh viên, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật được tặng thêm những phần quà may mắn là tiền mặt hoặc hiện vật.