Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ Dự án chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh quốc gia núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và theo chức năng nhiệm vụ, khẩn trương hướng dẫn UBND thành phố Thanh Hóa tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Dự án chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu và triển khai các bước tiếp theo của dự án; giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện để UBND thành phố Thanh Hóa thực hiện và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất, theo đúng quy định, bảo đảm chống sét, giữ an toàn cho di tích và khu vực lân cận.
Trước đó, hồi tháng 6, tháng 8/2022, mưa lớn kèm sấm sét đã gây sạt lở tại thắng cảnh Hòn Vọng Phu ở 2 vị trí là phía Tây gần đỉnh bị sạt lở khối đá khoảng 1m x 3m và phía Đông bị sạt lở khối đá 2,5m x 3m. Các khối đá bị sạt lở rơi xuống và nằm ngay tại chân Hòn Vọng Phu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn, khai thác đá trước đây, các tầng đá phía trên Hòn Vọng Phu cũng đã xuất hiện các vết nứt, có xu hướng tách ngang, đe dọa phá vỡ sự nguyên trạng của thắng cảnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Thanh Hóa đã nhiều lần kiểm tra, bàn giải pháp cũng như tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, các chuyên gia địa chất, các nhà khoa học Trung ương và địa phương để tìm giải pháp tối ưu, bảo đảm cơ sở khoa học trong xử lý, ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo tồn và phát huy giá trị di tích hòn Vọng Phu. Trong đó hầu hết các ý kiến đều tán thành với ý kiến giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ trì phối hợp lập dự án bảo tồn cấp thiết hòn Vọng Phu, chống sét đánh vào di tích.
Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu nằm trong cụm Di tích Nghệ thuật và Thắng cảnh Núi An Hoạch, là một cột đá cao khoảng 20m, giống hình người phụ nữ ôm con. Hòn Vọng Phu gắn liền với huyền thoại dân gian về người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá và đã trở thành một biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa của người dân xứ Thanh. Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh Núi An Hoạch được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1992 gồm Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu.