Triển khai kịp thời các chính sách xã hội

(Ngày Nay) - Tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.Tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Các chính sách về người có công, giảm nghèo bền vững dành cho người yếu thế đang được thực hiện một cách có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu, giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu, giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian vừa qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, các chính sách xã hội được triển khai đúng, đủ và kịp thời, thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả.

Đặc biệt, chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội, được thực hiện tốt nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo bền vững theo hướng bảo đẩm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện một cách có hiệu quả. Tới hết tháng 9 năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.

"Lần đầu tiên chúng ta đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra. Điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc - đây là một sự tiến bộ rất lớn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á được các nước G7 mời đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Giải trình làm rõ vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh chú trọng việc đào tạo nhân lực đại trà thì cần phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến cuối năm 2025 nằm trong Top 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Muốn vậy, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào 2 đề án lớn, đó là: Đề án về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Bên cạnh đó, một số vấn đề phải quan tâm khác như: Cần có chính sách hữu hiệu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và khu vực công. Trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học và đặc biệt phải lấy tự chủ đại học là khâu đột phá.

Trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá.

Xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống già hóa dân số

Bộ trưởng cũng lưu ý 2 vấn đề lớn cần chú trọng bắt đầu từ năm 2025. Một là phải xây dựng chính sách khung, chính sách quốc gia về phòng chống già hóa dân số; thứ hai là điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế.

"Đây là vấn đề rất quan trọng và có tính chất chiến lược của chúng ta", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đối với tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên, Bộ trưởng cho biết, nhìn chung tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép và rất mừng là ở mức thấp. "Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2024 là 7,92%, mặc dù chưa an tâm nhưng chúng tôi cho rằng đây là con số có thể chấp nhận được".

Bởi nhìn sang các nước Châu Á, Đông Nam Á trong năm nay, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp trong thanh niên xu hướng gia tăng rất nhanh. Bình quân toàn bộ khu vực Đông Nam Á là 9,5%, Brunei là 24%, Timor Leste là 13,3%, Indonesia là 13%, Malaysia là 11%, Philippines là 6,12% và Trung Quốc hiện nay tỉ lệ này trong độ tuổi 18 đến 24 là 18,8%

Tại sao lại có sự gia tăng như vậy thời gian vừa qua? Theo lí giải của Bộ trưởng, đó là do kinh tế thế giới tăng chậm lại, tác động của các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn; nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí, do đ, lao động trẻ khó khăn trong thích ứng rơi vào tinh giản.

Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ tạo dẫn đến thiếu việc làm trong thanh niên.

Một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối và nhảy việc ngắn hạn, thu nhập tốt hơn dẫn đến thất nghiệp tạm thời.

Nêu giải pháp đối với vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hai là, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên; có chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý cũng như các chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo. Triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này.

Chú trọng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đây là một căn cứ và một giải pháp làm "bà đỡ", không để thanh niên thất nghiệp kéo dài.

Bên cạnh đó, có giải pháp hài hòa giữa lao động trẻ, lao động trong nước với việc tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài, vừa là tạo điều kiện để tăng thu ngoại tệ và tạo việc làm trong tạm thời.

Ngoài ra, ưu tiên việc làm cho thanh niên trong nước, hạn chế lao động ngoài nước, đặc biệt là hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài làm công việc phổ thông. Tập trung quản trị thị trường lao động chính quy hơn, chặt chẽ, hiệu quả, gắn với cung cầu lao động.

Hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở

Đối với chính sách nhà ở người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2023, về vấn đề này Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở.

Hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo chỉ đạo để triển khai đồng bộ cả 3 chính sách, đó là: Chính sách hỗ trợ nhà ở người có công, chính sách triển khai hỗ trợ nhà ở người nghèo theo 3 chương trình mục tiêu và chính sách hỗ trợ những người không thuộc 2 đối tượng trên đang ở diện khó khăn về nhà ở với 153.000 đối tượng.

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà cho người có công, Bộ trưởng cho biết, đây là chính sách Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm, do vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì đề án này, theo quy định, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện chính sách và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.