Trung Quốc có ca tử vong đầu tiên vì dịch viêm phổi lạ
Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc cho biết, ngày 11/1, trong số 41 người được xác định mắc chủng viêm phổi, đã có 1 người tử vong, 7 người vẫn trong tình trạng nguy kịch và 2 người đã được xuất viện.
Các trường hợp nhiễm virus bí ẩn - kể từ khi được xác định là một chủng virus conora mới, đã xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng trước. Phần lớn các bệnh nhân đều làm việc tại một khu chợ hải sản trên địa bàn thành phố, khu chợ này đã bị phong tỏa sau khi chính quyền công bố dịch.
Ủy ban Y tế cho biết, không có trường hợp nhiễm mới nào kể từ ngày 3/1 và không có nhân viên y tế nào bị mắc bệnh và hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc lây truyền giữa người với người.
Một quan chức cấp cao tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã hôm 9/1 rằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác định được loại virus mới và trình tự bộ gen của nó.
Virus conora là một họ vi rút gây ra các bệnh khác nhau từ cảm lạnh thông thường đến hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).
Trong số 6 loại virus conora con người đã biết trước đây, có 4 loại phổ biến và chỉ gây ra các triệu chứng hô hấp nhỏ tương tự như cảm lạnh. Hai chủng còn lại là SARS, đã giết chết hơn 700 người trên toàn thế giới sau khi bắt nguồn từ Trung Quốc và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), đã giết chết hơn 850 người trên khắp thế giới kể từ năm 2012.
Triệu chứng sớm của bệnh viêm phổi lạ Trung Quốc
Thông tin ban đầu, các chuyên gia y tế Trung Quốc cho hay: Lọại virus này có những đặc điểm giống giai đoạn đầu của SARS, bao gồm các triệu chứng của bệnh cúm thông thường như sốt, khó thở, đau đầu...
Các bệnh nhân mắc bệnh "viêm phổi lạ" có chung triệu chứng: Cảm thấy mệt mỏi với các triệu chứng giống cảm lạnh, sốt cao lên đến 38,8 - 40 độ C kéo dài trên 4 ngày không dứt.
Cách đề phòng dịch bệnh
Ngay từ khi nhận được thông tin về việc xảy ra các trường hợp viêm phối cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống nhằm ngăn ngừa bệnh dịch xâm nhập vào nước ta.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp viêm phổi lạ từ khu vực đang có dịch vào nước ta. Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để cập nhật thông tin và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai: Mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh nơi đông người, che miệng khi ho, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng cơ thể;
Người dân khi có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; Không nên có thái độ nước đến chân mới nhảy, bệnh xảy ra rồi mới lo chữa…
Các cơ sở y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam.