Thực hiện đề tài, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã điều tra sinh cảnh sống, sự phân bố, mối đe dọa của loài dược liệu La hán quả để tìm giải pháp tác động và bảo tồn phù hợp; xây dựng báo cáo kết quả giám định loài và phân tích giá trị dược liệu của loài La hán quả tại Khu bảo tồn. Từ đó, đơn vị xác định được loài cây này phân bố chủ yếu ở khu vực rừng núi, nơi đất giàu mùn, độ ẩm cao và độ xốp tầng canh tác đạt yêu cầu.
Theo ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Ban Quản lý đã xây dựng được bản đồ phân bố loài La hán quả tại các khu rừng thuộc Khu Bảo tồn và nghiên cứu được nhiều kỹ thuật nhân giống bằng hạt, giâm hom; đồng thời xây dựng được vườn ươm cây có mái che với hệ thống tưới nước tự động.
Đến nay, kiểm lâm viên đã trồng được 4.000 cây giống bằng hạt, giâm hom từ cây mẹ đã ra quả và xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm loài La hán quả với quy mô 3.000m2 tại thôn Eo Điếu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Hiện những cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây La hán quả mọc tại Pù Luông. |
Việc triển khai đề tài sẽ giúp việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây dược liệu quý hiếm tại các khu rừng Pù Luông
Theo nghiên cứu bước đầu của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cây La hán quả có tên khoa học là Siraitiasiamensis (Craib), họ Bầu bí, là cây thân leo, dài đến 20 mét, sống lâu năm. Cuống lá và cụm hoa có lông mịn, gốc rễ phình to, lá có phiến hình tim xoan, hoa cái đơn độc mọc ở nách lá, cuống hoa dài 2-3 cm. Quả tròn, khi non có màu xanh, vỏ có lớp lông mịn như nhung, sáng lấp lánh, khi già chuyển màu vàng đến nâu vàng, quả chín trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10.
Hoa của Cây La hán quả mọc tại Pù Luông. |
Trên thế giới, loài cây này hay mọc tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường mọc ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đây là cây dược liệu quý có trái ngọt, vị ngọt của trái cây được tăng lên nhờ các mogroside, trong y học được dùng để chữa ho, sốt và đau họng, hoặc có thể sử dụng làm nước uống giải nhiệt.
Việc thực hiện đề tài trên sẽ giúp Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tìm ra các biện pháp kỹ thuật nhân giống và gây trồng, đồng thời xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá khả năng phát triển và giá trị kinh tế của loài, từ đó nhân rộng mô hình trong cộng đồng sống xung quanh khu bảo tồn, tạo thu nhập ổn định, giảm áp lực của con người vào tài nguyên rừng.