Phát biểu qua video liên kết trực tuyến tại cuộc họp ở Bengaluru, Bộ trưởng Lưu Côn cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ thương mại nên tuân theo nguyên tắc "hành động chung, chia sẻ gánh nặng công bằng" trong nỗ lực tái cơ cấu nợ.
Hiện Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất trên thế giới. Quốc gia này cũng chịu áp lực ngày càng tăng khi nhiều bên hối thúc Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp các nền kinh tế đang đối mặt khủng hoảng giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Trước hội nghị bàn tròn về vấn đề nợ với sự tham gia của các quan chức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 bên lề cuộc họp G20, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh chính sách giảm hoặc xóa nợ có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia đang chìm trong nợ nần, nhằm tránh nguy cơ phải cắt giảm các dịch vụ xã hội và những hậu quả khác.
Liên quan các sự kiện bên lề hội nghị G20, trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cũng có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Janet Yellen.
Cụ thể, hai quan chức đã trao đổi về những ưu tiên trong Đường lối Tài chính G20 trong thời gian Ấn Độ làm Chủ tịch luân phiên G20, cũng như việc củng cố các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), lỗ hổng nợ toàn cầu, tiền điện tử và y tế, bên cạnh quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và những bước tiến có thể có cho hai bên.
Trên tài khoản Twitter, Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các bài học rút ra sau đại dịch COVID-19 và nhất trí tăng cường khả năng ứng phó với những nguy cơ khủng hoảng trong tương lai.