Trung Quốc và Pakistan e ngại chi nhánh của IS tại Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sự lớn mạnh của ISIS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố IS ở Afghanistan, đang không chỉ gây bất ổn cho cả chế độ Taliban mà còn khiến các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Pakistan cảm thấy bất an.
Trung Quốc và Pakistan e ngại chi nhánh của IS tại Afghanistan

Tận dụng thỏa thuận rút quân của Mỹ với Taliban, tổ chức ISIS-K đã tự coi mình là phong trào thánh chiến cuối cùng của Afghanistan.

Các thành viên của tổ chức này có liên hệ với cả phong trào Taliban cũng như các phong trào ly khai xuyên quốc gia và sắc tộc trong khu vực Trung Á. Thậm chí cả các binh sĩ thuộc quân đội Afghanistan cũ cũng tham gia tổ chức này để chống lại Taliban.

Một lãnh đạo ISIS-K ở tỉnh Nangarhar tuyên bố: “Cho đến nay, giới lãnh đạo ISIS-K hài lòng với chiến lược đa hướng và tiến bộ của họ ở Afghanistan."

"Những thành công cục bộ của ISIS-K ở Afghanistan đã giúp thu hút phiến quân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau trong khu vực và thu hút sự chú ý của quốc tế", người này khẳng định.

Việc mở rộng địa bàn hoạt động của ISIS-K ở Afghanistan đang khiến chính quyền Taliban cảm thấy bị đe dọa. Đầu tháng 11, Hibatullah Akhundzada - thủ lĩnh tối cao của Taliban, đã ra lệnh cho các chỉ huy cấp tỉnh của mình kiểm tra lý lịch của tất cả các tay súng dưới quyền nhằm tránh để lọt nội gián.

“Thủ lĩnh Akhundzada cũng đã yêu cầu các chỉ huy Taliban kết thân với các chiến binh trên đường phố như một phần trong chiến lược đối phó của Taliban để ngăn chặn các vụ đào tẩu khỏi phong trào”, một chỉ huy Taliban ở Kabul cho biết.

Vào ngày 2/11, một kẻ đánh bom liều chết thuộc ISIS-K đã đặt chất nổ gần lối vào bệnh viện quân sự chính của Kabul, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Sau cuộc tấn công, một tay súng ISIS-K đóng giả lính Taliban đưa những người bị thương đến bệnh viện, đã hạ sát Maulvi Hamdullah Mokhlis, chiến lược gia quân sự cấp cao của Taliban cùng nhiều tay súng khác.

Mục tiêu của ISIS-K là các chỉ huy cấp trung của Taliban đang bất mãn với lãnh đạo cấp cao. Tổ chức khủng bố này muốn khai thác tình trạng bất đồng quan điểm trong nội bộ chính quyền Taliban.

Các nhà cầm quyền mới của Afghanistan đang tỏ ra nhẹ tay hơn trong việc áp đặt các quy định Hồi giáo khắc nghiệt như trong quá khứ, đổi lại là nguồn viện trợ quốc tế nhằm khôi phục nền kinh tế.

"Những thỏa hiệp này đã thúc đẩy một số lượng đáng kể các phần tử cực đoan của Taliban chuyển sang đầu quân cho ISIS-K", Abdul Jabbar, một cựu đặc nhiệm của cơ quan tình báo Afghanistan, nhận định.

Do ISIS-K trả tiền hậu hĩnh cho các phần tử của mình, nhiều tay súng Taliban quyết định "trở cờ". Ngoài ra, một số lượng đáng kể các cựu đặc nhiệm an ninh Afghanistan, những người làm việc cho chính phủ cũ, cũng đã gia nhập ISIS-K để thoát khỏi sự trừng phạt của Taliban.

“Trước đây, tổ chức IS đã sử dụng một chiến lược tương tự ở Iraq để thu hút hàng nghìn binh sĩ của Saddam Hussein và Đảng Baath gia nhập lực lượng”, ông Jabbar chỉ ra.

Lực lượng ISIS-K có nhiều sắc tộc khác nhau, đặc biệt là người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và Baloch, nhóm đã tiến hành các vụ đánh bom liều chết chống lại người thuộc dòng Hồi giáo Shiite.

Các âm mưu khủng bố của nhóm phiến quân Sunni khiến nhiều quốc gia trong khu vực quan ngại, đặc biệt là Trung Quốc, Pakistan và Iran.

Khi tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công liều chết ngày 8/10 nhắm vào một nhà thờ Hồi giáo Shiite ở Kunduz (Afghanistan) khiến hơn 70 người thiệt mạng, ISIS-K tiết lộ kẻ đánh bom là một người Duy Ngô Nhĩ.

Tổ chức này cho biết cuộc tấn công nhắm vào người Shiite vì chính phủ Iran đã điều động Sư đoàn Fatemiyoun, vốn là người Afghanistan theo dòng Shiite, để chống lại các tay súng IS ở Iraq và Syria.

Vụ đánh bom cũng nhằm cảnh báo chính quyền Taliban có ý định hợp tác với chính phủ Trung Quốc và trục xuất các chiến binh Duy Ngô Nhĩ của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan về Trung Quốc.

ISIS-K cũng đã xác định được một trong hai kẻ đánh bom trong vụ tấn công liều chết ngày 16/10 nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo Shiite ở Kandahar là một người Baloch.

Phiến quân Baloch đã gây chiến ở Pakistan và Iran trong nhiều thập kỷ. Trong những năm gần đây, nhóm này đặc biệt nhắm vào các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Islamabad và Bắc Kinh gần đây đã thành công trong việc gây sức ép buộc Taliban trấn áp các nhóm ly khai người Baloch của Pakistan hoạt động tại Afghanistan.

Lo lắng về các cuộc tấn công gần đây của ISIS-K tại các khu vực dọc biên giới với Afghanistan, chính quyền Islamabad đã cung cấp thông tin tình báo về ISIS-K cho chính quyền Taliban.

"Tổ chức IS dường như đang chứng minh rằng chi nhánh khu vực của nó, chủ yếu có trụ sở tại Afghanistan, và hệ tư tưởng của chúng có thể vượt qua rào cản sắc tộc ở một mức độ đáng chú ý", nhà nghiên cứu Lucas Webber nhận định.

Ông Webber cho biết: “Theo một nghĩa khác, ISIS-K đang cảnh báo rằng các tay súng của chúng có thể đe dọa công dân Trung Quốc và Pakistan trong và ngoài lãnh thổ Afghanistan."

Theo Nikkei Asia
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).