Những năm gần đây, một loạt trường chuyên ở các tỉnh, thành được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí lớn. Trong đó, nổi bật là trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với kinh phí 469 tỷ đồng năm 2005; trường THPT Chuyên Bắc Ninh - "trường học kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế" với kinh phí 600 tỷ đồng năm 2016, có phòng tập thể hình, bể bơi, sân bóng rổ...; trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đang được xây dựng với tổng mức đầu tư lên tới 473 tỷ đồng.
Nhiều trường chuyên cũng được các địa phương coi là "con cưng", "trọng điểm" và được đầu tư khang trang, có phòng thí nghiệm, kí túc xá, bể bơi, nhà thi đấu...
Ngoài ra, nguồn chi thường xuyên cho trường chuyên cũng khá cao. Một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, chi thường xuyên cấp theo đầu học sinh cho trường chuyên ở tỉnh này thường gấp 4 lần mức chi cho trường "thường".
Trong đó, thu nhập của giáo viên trường chuyên được ưu tiên hơn giáo viên các trường THPT khác ở phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp ưu đãi nghề.
Cụ thể, theo Nghị định số 61/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại trường chuyên được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 mức lương tối thiểu/tháng (0,3 x 1,49 triệu đồng = 447.000đ).
Bên cạnh đó, theo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị định này thì nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Mức này thường chỉ là 30% đối với giáo viên các trường THPT công lập khác.
Ngoài ra, giáo viên trường chuyên sẽ được hưởng các ưu đãi về đào tạo, học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước.
Thêm nhiều tỉ mỗi năm cho trường chuyên
Ngoài chi thường xuyên, hầu hết các địa phương đều có chính sách đặc thù cho giáo viên và học sinh trường chuyên. Khoản chi này không giống nhau tùy vào nghị quyết của HĐND các tỉnh.
Cụ thể, theo nghị quyết 70/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, học sinh lớp chuyên sẽ được hỗ trợ một lần 2,2 triệu đồng để mua học phẩm và đồ dùng cá nhân, miễn phí kí túc xá, hỗ trợ tiền điện, tiền nước, hỗ trợ 1 lần lệ phí thi nếu đạt chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL... Ngoài ra, nếu tham gia đội tuyển quốc gia, học sinh được hỗ trợ tiền ăn 250.000đ/ngày.
Trong khi đó, cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên cũng được hỗ trợ 2,2 triệu đồng/tháng theo số tiết thực dạy. Giáo viên giỏi nếu về công tác tại trường chuyên của tỉnh, cam kết công tác từ 10 năm trở lên được trợ cấp 1 lần từ 250 triệu - 500 triệu đồng/người. Những giáo viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi quốc gia, quốc tế được nhận 2 triệu đồng/buổi dạy, các chuyên gia được hưởng mức 4 - 5 triệu đồng/buổi dạy...
Tương tự, theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2016-2017 đến 2020-2021, tỉnh này dự kiến dành từ 17-20 tỉ mỗi năm để thực hiện các chính sách với học sinh và giáo viên trường chuyên.
Học sinh chuyên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi... nhận mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 1 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng). Những học sinh chuyên còn lại được hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên bằng 30% mức lương cơ sở (447.000đ).
Ngoài ra, các em còn được học bổng khuyến khích học tập từ 315.000 - 525.000đ/tháng tùy thành tích.
Giáo viên dạy môn chuyên được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 30% mức lương cơ sở/tiết dạy môn chuyên.
Từ năm 2017, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang được tỉnh bố trí kinh phí để cấp học bổng khuyến khích học tập cho tối thiểu 30% học sinh các lớp chuyên. Đối với học sinh thuộc diện chính sách, mức hỗ trợ là 1 tháng lương cơ sở/tháng (1,49 triệu đồng)...
Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), giáo viên nếu được cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành ở nước ngoài được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo.
30% học sinh được cấp học bổng hàng tháng với mức bằng 3 lần học phí hiện hành/tháng (khoảng 360 nghìn đồng). 100% học sinh chuyên được trợ cấp sinh hoạt phí bằng 40-80% mức lương cơ sở/tháng tùy đối tượng...
Trường Chuyên Bắc Ninh, học sinh nội trú được ở kí túc xá có điều hòa, máy giặt, được hỗ trợ tiền ăn 50.000đ/ngày, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn 25.000đ/ngày. Học sinh giỏi được nhận học bổng bình quân hàng tháng là 1,49 triệu đồng.
Còn theo nghị quyết năm 2015 về chính sách với trường THPT Chuyên Hà Tĩnh của HĐND tỉnh thì hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm, phó chủ nhiệm đội tuyển nếu có học sinh đạt giải tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế được hưởng ưu đãi hàng tháng trong 12 - 18 tháng.
Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm đội tuyển có học sinh đạt huy chương Vàng quốc tế được ưu đãi 2,5 lần lương cơ sở/tháng, giáo viên phó chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy đội tuyển được 60% và 50% mức trên. Tương tự như vậy, cũng có ưu đãi cho giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia. Hiệu trưởng được hưởng ưu đãi bằng mức của giáo viên có mức ưu đãi cao nhất trong năm, còn hiệu phó được ưu đãi bằng 60% mức của hiệu trưởng.
Ngoài ra, các tỉnh còn chi hỗ trợ giáo viên, học sinh tham gia tập huấn, đi thi quốc gia với mức tiền ăn từ 50.000đ - 300.000đ/ngày, chi cho giáo viên và học sinh tham gia kì thi quốc tế, chi mời giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về giảng dạy...
Hiệu trưởng 1 trường THPT chuyên ở phía Bắc (xin giấu tên) cho hay, với số lượng hơn 1.000 học sinh và hàng trăm giáo viên, số tiền chi cho các khoản này thường khoảng vài chục tỉ/năm.
Trường THPT Chuyên Biên Hòa - Hà Nam được chuyển đến vị trí mới từ năm 2015. |
Mức thưởng lớn
Trong các khoản chi nói trên, các tỉnh dành số tiền khá lớn cho chi khen thưởng giáo viên và học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, mà hầu hết thuộc về học sinh trường chuyên.
Theo chính sách của Hải Dương, mức thưởng cho học sinh đoạt huy chương Vàng, bạc, đồng quốc tế lần lượt là 200, 50 và 30 triệu đồng, huy chương Vàng cấp khu vực được thưởng 30 triệu đồng, giải Nhất kì học giỏi quốc gia được 20 triệu đồng. Với mỗi học sinh đạt giải, giáo viên được tính định mức thưởng bằng 0,8 định mức thưởng của học sinh.
Phải kể đến Vĩnh Phúc khi địa phương này có mức thưởng lần lượt là 400, 300 và 200 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng cấp quốc tế.
Mới đây, ngày 25/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định 1422 chi thưởng tới 4,5 tỉ cho các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, cấp tỉnh và giáo viên. Trong đó, tiền thưởng dành cho học sinh đoạt 4 giải nhất, 34 giải nhì, 25 giải ba và 18 giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia là 1,95 tỷ đồng (100% là học sinh Chuyên Vĩnh Phúc), 35 giáo viên có học sinh đoạt giải được thưởng 1,56 tỷ đồng.
Hay như năm ngoái, Hải Phòng đã thưởng 1 học sinh đạt huy chương Vàng Olimpic Toán học Quốc tế 2019 số tiền 500 triệu đồng, giáo viên giảng dạy trực tiếp được thưởng 250 triệu đồng; Tập thể giáo viên tham gia giảng dạy đội tuyển được thưởng 100 triệu đồng; Tập thể ban giám hiệu nhà trường được thưởng 50 triệu đồng. Tổng số tiền thưởng là 900 triệu đồng. Số tiền còn lớn hơn nếu tính cả tiền thưởng cho học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Năm 2010, Bộ GD-ĐT khởi động đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí 2.312 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là hơn 1.295 tỉ đồng, vốn vay ODA hơn 953 tỉ đồng, còn hơn 63,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương.
Một trong những mục tiêu của đề án là đến năm 2015, 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế...