Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh

(Ngày Nay) - Chris Humphrey là một nhà báo tự do người Anh, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Trong nhiều năm, ông Humphrey đã đưa các câu chuyện về văn hóa - đời sống ở Việt Nam đến với các tờ báo quốc tế như The Guardian, Time, Al Jazeera…
Người dân làng Phước Hải tỏ lòng thành kính với thần cá voi - Cá Ông. Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera
Người dân làng Phước Hải tỏ lòng thành kính với thần cá voi - Cá Ông. Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera

Mùa hè năm 2022, cùng với vài người bạn, Chris tiếp tục "lang thang" dọc khắp vùng duyên hải Nam Trung Bộ để tìm hiểu về văn hóa của ngư dân bản địa. Dưới đây là bài viết của Chris về tục lệ thờ cá voi - hay còn gọi là Cá Ông.

Bước vào trong giai thoại

Khi Nguyễn Văn Lộc rời căn nhà bê tông ở trên đảo Lý Sơn và đi về phía chiếc thuyền xanh đã bạc của mình, anh chỉ nghĩ mình sắp có một chuyến đánh cá như thường lệ: bình minh tan dần phía chân trời, ít rượu nếp cho bữa sáng, nhẩn nha tìm kiếm những đàn cá; nếu may mắn, anh và những ngư dân khác sẽ bắt được một mẻ kha khá.

Vậy nhưng, chỉ trong vòng vài giờ sau khi thuyền đi qua các rạn san hô ngoài khơi, một cơn bão ập tới, nhăm nhe đánh úp kế hoạch của anh.

Dưới bầu trời xám chì, những cơn gió dữ vun vút khắp đại dương, cuốn nước biển thành những bóng ma lớn đánh thẳng vào thuyền của Lộc. Quanh thuyền, sóng cuộn tròn thành những đỉnh nhọn càng lúc càng dốc, hất các ngư dân va đập vào boong. Chớp rạch ngang biển, như ngọn đuốc soi vào số phận của họ.

Lộc thấy rõ cái chết đã cận kề.

Sau khi dùng dây thừng buộc mọi người lại với nhau (để trong mọi trường hợp, thân thể họ cũng sẽ được tìm thấy cùng nhau), Lộc và các ngư dân khác bám chặt lấy mạn thuyền và cầu khấn. Họ nhìn biển cả cuồn cuộn, liên tưởng đến những người tổ tiên của mình đã từng vùi trong biển. Thế rồi, một hình thể thon dài, trơn nhẵn hiện ra, cặp mắt tinh khôn, lốm đốm rêu mốc của "sinh vật" đó cũng cũng nhìn thẳng vào họ - như thể nó đang nhìn xuyên thấu tâm can từng người.

Các ngư dân không hề sợ hãi, chính họ đã khẩn cầu sự giúp đỡ từ thần Cá Ông. Họ reo lên phấn khích, và thêm hai con cá voi nữa xuất hiện bên cạnh thuyền.

Suốt những giờ đồng hồ sau đó, ba sinh vật biển khổng lồ đã giúp các ngư dân thoát khỏi cái chết dưới đáy đại dương và đưa họ trở về nhà - nơi mà câu chuyện này rồi sẽ được lan truyền khắp các chợ cá, trong các quán ăn, cho tới nhiều thập kỷ sau.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 1
Nguyễn Văn Lộc và các ngư dân được cá voi cứu sống (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Khi nghe câu chuyện của Lộc, người ta dễ coi đó là một trải nghiệm kỳ diệu chỉ xảy đến một lần trong đời. Một phép màu. Một sự cứu vớt từ đấng bề trên. Nhưng điều lạ lùng nhất về câu chuyện của Lộc không nằm ở tính phi thường của câu chuyện đó, mà ở việc những giai thoại tương tự như vậy khá phổ biến trong các cộng đồng sinh sống ven biển Việt Nam. Từ đảo Phú Quốc ở phía Nam cho đến thành phố ven biển Đà Nẵng, các ngư dân vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về lòng nhân hậu của loài cá voi.

Tính xác thực trong những câu chuyện này tới đâu? Người ta chỉ có thể tìm hiểu được khi chịu thức dậy vào lúc bình minh để rảo qua các chợ cá, và tìm tòi trong hàng chục ngôi đền thờ Cá Ông nằm rải rác dọc bờ biển Nam Trung Bộ.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 2
Khung cảnh nhìn từ bậc thềm của một trong những ngôi đền cá voi ở đảo Lý Sơn (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Chúng tôi bắt đầu tại thành phố Phan Thiết, cách TP.HCM bốn giờ về phía đông. Ông Vương Đạo, người trông coi bảo tàng cá voi ở đây, say sưa kể cho du khách nghe những truyền thuyết về đại dương, trong đó có cả câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Lộc. Người đàn ông trung niên với chiếc bụng lớn, mặc áo sơ-mi xanh chỉnh tề, ông cất giọng lịch sự hệt như một nhân viên hành chính. Sau lưng ông, bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á nằm đó, lắng nghe những cao trào trong câu chuyện và rộng lớn hơn, là văn hóa thờ cúng cá voi.

“Đây là bộ xương của Cá Ông, đã hơn 200 tuổi. Cá voi chết dạt vào đây nên ngư dân làm lễ mai táng và chôn cất. Sau ba năm, họ khai quật mộ và mang xương cốt về đây để thờ cúng” - ông kể.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 3
Bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á được bảo tồn, tại bảo tàng cá voi Phan Thiết (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Những ngư dân ở đây đã gìn giữ bộ xương cá voi suốt hàng trăm năm trước khi chúng được phục dựng và trưng bày trong bảo tàng vào năm 2003. Dù không ai biết chính xác tục thờ Cá Ông bắt nguồn từ đâu, có một truyền thuyết kể rằng tục này có mối liên hệ với khoảng thời gian mà con cá voi khổng lồ này qua đời.

Vào cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh (người sẽ trở thành Hoàng đế Việt Nam vào năm 1802) đang vượt biển cùng một toán cận thần thì gặp phải cơn giông lớn kinh hoàng. Khi những người trên thuyền gần như đã mất hết hy vọng, một con cá voi từ đáy biển bỗng trồi lên và dùng thân nó làm điểm tựa lèo lái con thuyền đến nơi an toàn. Để tỏ lòng cảm tạ, Nguyễn Ánh đã đặt tên cho cá voi là “​​Nam Hải cự tộc Ngọc Lân”, dần dần về sau được rút ngắn thành Cá Ông, hiểu nôm na là “cá voi chúa" hay “Ông Cá”.

Ngày nay, những giai thoại về lễ chôn cất cá voi và ơn nghĩa của loài sinh vật biển to lớn này thậm chí còn được nhắc tới trên các kênh truyền thông đại chúng.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 4
Nguyễn Quốc Chinh ở đảo Lý Sơn và các ngư dân khác nằm trên lưng một con cá voi (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Trong một bài báo, ông Nguyễn Quốc Chinh ở đảo Lý Sơn kể rằng ông đang đánh cá cùng 20 người khác gần quần đảo Hoàng Sa thì một cơn bão suýt nữa đánh chìm tàu của ông. Kỳ diệu thay, một con cá voi xuất hiện, tựa như một tảng đá đen khổng lồ, và các ngư dân đã nằm trên lưng con cá nhiều ngày trời, ăn rong biển và uống nước tiểu của nhau để sống sót.

Ông Vương Đạo điềm nhiên nói tiếp: “Cá voi thường cứu người trên biển. Đó là lý do tại sao ngư dân Việt Nam thờ cúng cá voi. Chúng tôi gọi cá voi là thần Nam Hải”.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 5
Bộ xương của con cá voi dài 18 mét nằm dưới ánh đèn neon trong lăng Cá Ông ở Vũng Tàu (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Con cá voi cứu Nguyễn Ánh được cho là đã chết sau cuộc giải cứu, xác nó chia làm ba phần trôi dạt vào bờ. Một phần dạt đến rừng ngập mặn Cần Giờ dọc theo bờ biển phía Nam của Việt Nam; hai phần còn lại dạt vào Phước Hải - một làng chài nhỏ, và Vũng Tàu - nay là thành phố cảng cách TP.HCM hai giờ về phía Đông Nam.

Ở trung tâm Vũng Tàu ngày nay, có cả một quần thể đền thờ dành riêng cho việc thờ cúng cá voi (tên là lăng Cá Ông). Khi chúng tôi đến, một cụ ông gầy gò, nụ cười như không bao giờ tắt trên gương mặt, mở ra cánh cửa kim loại kêu cọt kẹt. Bên trong, một nhà sư chắp tay hướng về tủ kính phía sau bàn thờ. Ở đó, hộp sọ và xương của hơn 100 con cá voi và các loài động vật biển có vú khác nằm thành từng cụm dưới ánh đèn neon rực rỡ.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 6
Cụ ông trông lăng Cá Ông ở Vũng Tàu đang quét sân. Sau lưng cụ là một mô hình cá voi lớn nằm trên sàn (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Ông cụ im ắng, vẫn mỉm cười trong sự niềm nở không ngừng. Ông ngồi trên ghế đẩu phía sau bàn thờ, gõ nhẹ chiếc cồng nhỏ trong lúc chúng tôi ngắm nhìn những bộ xương cá voi.

Ở Phước Hải, cách Vũng Tàu một giờ dọc theo bờ biển, có một con đường bê tông trải dài dẫn đến bãi cát trắng-vàng, lác đác những thuyền thúng, lưới cũ, rác nhựa, vỏ dừa và thi thoảng cả xác cá. Xung quanh bờ kè được tô điểm bởi các tác phẩm vẽ cá voi, những ngư dân đã về hưu ngồi thành nhóm nhỏ tán gẫu hoặc ngắm biển.

Một trong những ngư dân đó rủ chúng tôi đi cùng ông đến miếu Cá Ông của làng Phước Hải để xem lễ. Ngôi miếu này được xây dựng công phu hơn lăng ở Vũng Tàu, người quản miếu mặc lễ phục cũng trẻ hơn người đàn ông ở Vũng Tàu ít nhất là 50 tuổi. Trong miếu, khói nhang thoang thoảng giữa những gian phòng mờ ảo, đưa lời cầu khấn "thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy lưới" đến Cá Ông.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 7
Một người đàn ông mặc trang phục cầu kỳ tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 8
Một ngư dân tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 9
Hai người đàn ông mặc áo dài truyền thống đang rì rầm trao đổi tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 10
Dâng nến và hoa trong phần lễ tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 11
Người dân xếp hàng dâng lễ trước khi cầu nguyện Cá Ông tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)

Nguyễn Ngọc Thế, người quản miếu, kể lại một chuyến đi biển có một số ngư dân bị rơi khỏi tàu và trôi dạt trên biển nhiều ngày. Họ không nhớ mình được cứu sống như thế nào, nhưng họ nhớ chắc chắn có một con cá voi đã cho họ ăn.

Sau khi dạt vào bờ, những ngư dân này ói ra đầy cá cơm. Họ nhất loạt đồng tình với nhau rằng, chính Cá Ông đã giúp mình.

"Bất cứ khi nào ra khơi, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là cầu khấn…" - ông Thế nói. "Chúng tôi không thể lường trước được những cơn sóng hiểm, gió dữ, bão tố hay bất cứ vấn đề nào khác trên biển. Vậy nên, chúng tôi cầu nguyện Cá Ông, xin Ông bảo vệ chúng tôi, dẫn dắt chúng tôi đánh bắt được tôm, cá để trang trải cho gia đình".

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 12

Khu đền chính của miếu Cá Ông ở Phước Hải (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Một số khía cạnh văn hóa cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nghi lễ thờ cúng Cá Ông. Như đối với đa phần người Việt, việc thờ cúng người đã khuất vẫn quan trọng hơn việc tôn vinh người đang sống.

Thế cho biết: “Nếu có người tìm thấy xác cá voi trên biển, người đó phải đưa Ông vào bờ, có trách nhiệm cúng bái và chôn cất Ông cẩn thận. Người đó sẽ để tang Cá Ông và phải cúng sau 49 ngày và 100 ngày, làm giỗ một năm và ba năm - giống như cách thờ cúng chính ông bà mình”.

"Cũng có nhiều con cá voi trôi dạt vào bờ nhưng vẫn còn sống. Chúng tôi ra đó và cầu cho chúng quay về biển cả, tiếp tục sứ mệnh cứu vớt con người" - anh nói, "Nhưng chúng không về được nữa, vì đôi khi chúng vào bờ để yên nghỉ".

"Khi cá voi qua đời, chúng tôi đành chấp nhận. Chúng tôi đánh cồng chiêng để cầu mong linh hồn cá voi được ra đi thanh thản".

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 13
Nghĩa địa cá voi ở Phước Hải (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Bên ngoài khuôn viên miếu, dọc theo con đường đầy cát, có một bệ thờ nằm ở giữa "nghĩa trang cá voi" - một nơi kỳ lạ, thâm trầm, lồng lộng gió biển. Vài chục nấm mộ nhô lên thành những gò đất nhỏ trên cát, trên bia khắc tên ngư dân tìm thấy xác con cá voi, số đăng ký thuyền của anh ta và ngày mất của cá.

Khi đi qua đây, chúng tôi thấy vài người dân đang đến viếng mộ, thắp hương, đặt hoa và trái cây. Hải và Tú, hai người ngư dân trông coi nghĩa trang, nán lại gần một ngôi mộ.

Vào một buổi sáng, Hải nói với chúng tôi rằng ông nhìn thấy một con cá voi trôi dạt về phía bãi cạn. Ông nhanh chóng nhảy xuống nước, kéo con vật trở lại biển rồi ngồi trên bờ cầu cho con cá sống sót. Lo sợ con cá voi sẽ bị dạt trở lại, ông đã canh chừng ở bờ biển cả ngày hôm đó. Đến tối, sau ba lần gồng mình kéo cá voi ra biển, ông Hải đành chịu thua. Họ đưa thi thể con cá voi đến miếu thờ, làm lễ an táng trong nghĩa trang rồi bắt đầu để tang.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 14
Hải, một ngư dân ở làng Phước Hải, đang gồng mình kéo một con cá voi ra biển (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Nơi đây chôn cất nhiều loài sinh vật biển với đủ hình thù, thậm chí có cả một con rùa, nhưng ngư dân chỉ dùng một từ để gọi chúng: Cá Ông.

Từ phía những ngôi mộ, có thể nhìn thấy biển xanh, lốm đốm những chiếc thúng tròn nhấp nhô, và một khu đất bê tông nơi tập trung những chiếc thuyền đánh cá. Đôi mắt cá voi được vẽ trên mũi nhiều con thuyền, người ta cho rằng đôi mắt của loài vật linh thiêng này có thể bảo vệ ngư dân.

Việc tôn thờ một loài vật - như cách ngư dân Việt tôn thờ cá voi - có khả năng được bắt nguồn từ văn hóa Chăm. Từ khoảng thế kỷ thứ 4, người Chăm sống trên khắp các vùng đất ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ở ngoại ô Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), giữa màu đất đỏ thẫm và núi đá nguyên sơ, ông Inra Jaka - một người Chăm am hiểu về văn hóa Chăm - cho biết người Chăm từng coi loài voi là "ông" của rừng xanh, cũng giống như cách người ta coi cá voi là chủ nhân của đại dương.

"Trên khắp bờ biển Việt Nam vẫn còn dòng máu của người Chăm" - ông nói. "Chúng tôi kính trọng các vị thần. Chủ nhân của biển à? Chúng ta phải kính trọng chứ".

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 15
Người dân dâng lễ tại Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Ảnh: Magnus Graham/Al Jazeera)

Ở duyên hải miền Trung, cách Hội An một giờ về phía nam, đảo Tam Hải nằm tách biệt giữa vùng biển nhiều bão lũ. Tuy nhiên, vào mỗi mùa xuân, người dân ở đây - và ở vô số vùng khác dọc theo bờ biển - lại tổ chức lễ thờ cúng lớn nhất để thể hiện lòng tôn kính của họ đối với vị thần hộ mệnh trên biển: lễ tế Cá Ông.

Vào một sáng tháng Ba âm u, trong cái nhá nhem của thời khắc trước bình minh, chiếc loa phát đi bản tin dự báo thời tiết: ngày mai trời nhiều mây, có khả năng mưa, cũng chiếc loa ấy đã từng loan báo về những cuộc dội bom trong thời chiến. Rất đông dân làng, trong trang phục đẹp đẽ nhất của mình, đã tập trung quanh ngôi miếu ven biển. Mưa phùn lất phất rơi suốt buổi lễ hội.

Bên trong miếu, một người mặc bộ áo dài màu đen đánh cồng, cùng lúc một nhóm người tóc bạc trắng chơi tứ tấu, một người khác dùng chân để chơi nhạc từ một nhạc cụ dây truyền thống. Trước bàn thờ, các già làng trong Ban Tế lễ cúi đầu và khấn cầu linh hồn cá voi phù hộ cho những ngư dân đã mất trên biển mà không tìm được xác. Một già làng nói rằng Cá Ông có thể mang linh hồn của những ngư dân xấu số trên biển trở về. Nếu không, linh hồn họ sẽ lênh đênh trên đại dương như những bóng ma.

Sau đó, dân làng lao ra bờ biển để chiêm ngưỡng cảnh tượng hoành tráng nhất của ngày hội, nào cờ nào trống trĩu nặng trên tay từng người. Bằng thuyền thúng, các ngư dân chở những người làm lễ và nhạc cụ của họ đến chỗ tàu neo đang đợi sẵn. Những vị già làng khoác bộ áo dài đỏ sẫm thêu chỉ vàng bước lên tàu. Tàu được trang trí bằng cờ đuôi nheo màu sắc rực rỡ và được đặt thêm một chiếc bàn thờ. Ở phía đầu tàu, một đội ngư dân bắt đầu nổ máy rền vang.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 16
Ban Tế tự thực hiện nghi lễ tại một ngôi miếu ở trung tâm Tam Hải (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Như xe máy phóng trên đất bằng, những chiếc tàu đánh cá đua nhau vượt sóng phía sau con tàu tế. Khi những già làng thả lễ vật làm bằng giấy xuống biển cho Cá Ông và khấn lạy trước bàn thờ, các ngư dân khác theo sau, ai nấy phấn khích vẫy cờ rồi cùng uống rượu nếp và bia.

Gần một tiếng sau, nghi lễ kết thúc, các ngư dân trở về bờ, cặm cụi cõng những chiếc thuyền thúng trên lưng như những chú rùa chật vật dưới mai. Rồi họ thong thả băng qua bãi cát để đến một điểm thờ cúng khác. Những con đường cát hẹp dẫn đến một khoảnh đất trống, nơi này có ít nhất 50 ngôi mộ cá voi xếp thành hàng trước bậc tam cấp của một ngôi đền 600 tuổi.

Mọi người xếp hàng để khấn trước một bàn thờ đầy ắp hoa quả, thức ăn và rượu nếp, bên dưới là những bức tranh vẽ cá voi. Khi đọc văn khấn, các già làng liệt kê những con cá voi đã được cải táng trong năm vừa qua.

Ông Bạch Ngọc Lan, 57 tuổi, một ngư dân đã về hưu, cho biết họ chọn ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch hằng năm để tổ chức lễ hội, vì đó là ngày giỗ chung của tổ tiên họ, đồng thời là dịp khởi đầu của một năm đánh bắt mới.

"Cả làng chúng tôi tổ chức lễ tế Cá Ông lớn nhất" - ông Lan nói. "Chúng tôi cầu mong sự sung túc cho đất nước mình và cho mọi người trong làng".

Cũng theo ông Lan, “chỉ những người trên 60 tuổi - và vẫn còn vợ - mới có thể đảm nhận vai trò như già làng chủ trì buổi lễ. Những người đàn ông trung niên phải quan sát và học hỏi để có thể làm công việc này khi thế hệ già qua đời”.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 17
Hoa, thịt, trái cây và rượu nếp đặt trên bàn thờ ở một trong những miếu thờ Cá Ông ở Tam Hải (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 18
Một người tham gia lễ hội mặc áo dài màu đỏ thẫm cầm hoa trên bãi biển (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Các nghi thức của ngày lễ khép lại sau chương trình thờ cúng cuối cùng diễn ra ở trung tâm hòn đảo. Sau đó, mọi người rủ nhau đi chè chén và hát karaoke - có khi đó lại là những màn biểu diễn "bài ca cá voi" đầy truyền cảm mà họ cũng không ngờ tới.

Khi những người dân ăn vận lộng lẫy vẫn còn đang cầu khấn với Cá Ông, khói bắt đầu nghi ngút bốc lên từ một bãi rác được đốt trên bờ biển, tựa như hình ảnh mờ ảo của một con cá voi đang phun nước lên từ xa. Quanh ngọn lửa, những mảnh nhựa và lưới rách vương vãi khắp bãi biển.

Thực tại

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương), 5 quốc gia gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan có lượng rác thải nhựa xuống đại dương nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại. Tháng 11/2018, khám nghiệm tử thi một con cá voi chết dạt vào bờ tại Indonesia phát hiện 1.000 mảnh nhựa trong bụng, bao gồm 115 cốc nhựa, dép lê và chai nhựa. Bốn tháng sau, một con cá voi con mắc cạn ở Philippines chết vì “sốc dạ dày” sau khi nuốt phải 40 kg túi nilon.

Một mối đe dọa lớn hơn đối với cá voi biển là bị đánh bắt nhầm, nghĩa là chúng vô tình bị bắt khi ngư dân đang đánh bắt các loài khác. Hơn 300.000 cá voi biển bị giết mỗi năm theo cách này.

Số lượng cá voi trên toàn cầu từ lâu đã suy giảm. Một cuộc khảo sát năm 1999 tìm thấy rất ít cá voi ở vùng biển Việt Nam thuộc biển Đông. Các nhà khảo sát chỉ tìm thấy cá heo mũi chai, cá heo spinner, cá heo lưng gù và một con cá heo không vây - nhưng không có cá voi.

Theo các nhà nghiên cứu, những lý do có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm “điều kiện sinh thái tự nhiên ở vùng Vịnh hoặc sự suy giảm số lượng do tác động của con người, trong đó có việc đánh bắt nhầm, thiếu thức ăn do đánh bắt quá mức và chết do đánh bắt bằng thuốc nổ”.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 19

Trên thuyền chính, Ban Tế tự thả lễ vật bằng giấy cho Cá Ông xuống biển và khấn lạy trước ban thờ (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 20
Thuyền đua nhau vượt sóng phía sau thuyền chính trong Lễ hội cầu ngư Tam Hải (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 21

Một ngư dân khiêng thúng về bờ sau cuộc đua thuyền ở Tam Hải (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 22
Ngư dân chở một chủ lễ ra thuyền chính trước cuộc đua thuyền tại Lễ hội cầu ngư Tam Hải (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)
Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 23
Bất chấp lòng kính ngưỡng của ngư dân đối với cá voi và các động vật biển khác, bờ biển Tam Hải vẫn ngập rác và chất thải cháy (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Tín ngưỡng thờ cá voi cũng liên quan đến yếu tố địa chính trị. Các ngư dân Việt Nam từ đảo Lý Sơn thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn va chạm, thậm chí bắt giữ.

Ông Dược, một ngư dân 65 tuổi đã về hưu, cho biết ông bị bắt làm con tin khi đi đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa 15 năm trước. Sau khi tàu hư hỏng và bắt đầu chìm, các ngư dân trên tàu của ông buộc phải chèo thuyền thúng nhỏ đến một hòn đảo gần đó. Một tàu tuần dương của Trung Quốc tìm thấy và đã giam giữ họ suốt 6 tuần trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Trở về Lý Sơn, ông Dược ngay lập tức đi viếng Cá Ông, vì ông tin rằng chính Ông đã che chở cho cả nhóm trở về an toàn.

Trong bài luận “Địa lý kết nối và chia cách: Những câu chuyện biển cả ở Lý Sơn” (Geographies of Connection and Disconnection: Narratives of Seafaring in Lý Sơn), Edyta Roszko Edyta Roszko chỉ ra rằng hòn đảo này “nằm ở trung tâm của một bản đồ lãnh hải quốc gia”, và ngư dân địa phương “buộc số phận mình vào sự toàn vẹn lãnh hải của quốc gia, liên đới tới vai trò địa chính trị của quần đảo Hoàng Sa lẫn đảo Lý Sơn trong tranh chấp quốc tế này”.

Trong mọi tình huống, dù đối mặt với bão tố hay tàu nước ngoài, những người thờ Cá Ông luôn mong cầu sự che chở từ vị thần.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 24
Người dân cúi đầu khấn lạy trong miếu Cá Ông ở Lý Sơn (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Hầu hết những người theo tín ngưỡng này đều nói rằng họ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến hay được cá voi giải cứu. Tuy nhiên, những câu chuyện tương tự về loài sinh vật biển khổng lồ không chỉ giới hạn ở Việt Nam. Trong cuốn sách The Wild Places (Những miền hoang dã), Robert McFarlane đã kể câu chuyện về hai cha con đang chèo thuyền ở Vịnh Mexico vào năm 2004 thì bị một cơn gió mạnh lật úp, sau đó những con cá heo đã xuất hiện, bảo vệ họ khỏi sự tấn công của cá mập.

Trên mạng Internet tràn ngập những câu chuyện về cá heo bảo vệ con người. Cũng có câu chuyện về một con cá voi lưng gù cứu nhà sinh vật biển Nan Hausen ở quần đảo Cook vào năm 2018, bằng cách nâng cô lên đầu và che chở cô dưới vây ngực.

Nhà sinh vật biển Robert Pitman đã dành nhiều thập kỷ phân tích sự tương tác giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ. Ông cho rằng hành vi bảo vệ của cá voi lưng gù - đối với cả con người và các sinh vật biển khác - có khả năng xuất phát từ bản năng bảo vệ con non khỏi những kẻ săn mồi.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 25

Bức tranh vẽ một con cá voi lớn và một con rồng thần trên tường của lăng Cá Ông ở Vũng Tàu (Ảnh: Zoe Osborne/Al Jazeera)

Dù những giai thoại như vậy phổ biến cả trong và ngoài Việt Nam, tương lai của văn hóa thờ cúng Cá Ông độc đáo này còn khá bấp bênh khi thế hệ trẻ có xu hướng tìm kiếm công việc ở thành phố, và tránh các công việc như đánh cá hay trồng lúa.

Tại lễ hội ở Tam Hải, ngư dân Mai Thế Lực, 38 tuổi, nhắc đến một câu tục ngữ: Tre già măng mọc. “Nghĩa là khi thế hệ này qua đời, con cháu sẽ đảm đương các công việc và duy trì các tập tục, để chúng không bị mất đi”.

Vài giờ sau khi rời lễ hội, chúng tôi đến một quán cà phê ven biển để ngồi chờ phà trở về đất liền. Vỏ mì tôm và các loại rác thải từ cửa hàng vất vưởng khắp bờ đá. Trên mặt biển, những mảnh nhựa trắng nhấp nhô như những vụn băng trôi không bao giờ tan. Váng dầu óng ánh trên mặt nước như những con sứa khổng lồ.

Tục thờ cá voi của người Việt qua ghi chép của một nhà báo Anh ảnh 26

Người dân cúi đầu khấn lễ trong Lễ hội cầu ngư ở Lý Sơn (Ảnh: Chris Humphrey/Al Jazeera)

Khi được hỏi có quan tâm đến lễ hội hay văn hóa thờ cúng cá voi hay không, cậu thiếu niên phục vụ ở quán cà phê ngẩng lên khỏi chiếc điện thoại và đáp ngắn gọn: “Em còn phải làm việc”.

Sự thay đổi đáng kể giữa các thế hệ phần nào đã định hình nên Việt Nam thời hiện đại. Thế hệ ông bà lao động chân tay cực nhọc thời Cách mạng không thể hiểu những đứa cháu đang tìm mọi cách để thoát khỏi sự ràng buộc ngột ngạt của gia đình, rời quê nhà và chia sẻ cuộc sống của mình trên Instagram (hoặc TikTok).

Vậy nhưng, cộng đồng những người thờ cúng Cá Ông lại không mấy bận tâm. Ở Phước Hải, khi được hỏi liệu tín ngưỡng Cá Ông có thể biến mất vào một ngày nào đó không, vợ của một ngư dân gạt phắt.

"Không có chuyện đó đâu. Sẽ luôn như thế này thôi. Hồi còn trẻ, tôi không hiểu gì cả, nhưng bây giờ thì tôi tin rồi", cô trả lời không chút đắn đo, "Mọi người đều tin vào Cá Ông".

Theo Al Jazeera
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.