Rủi ro khi làm đẹp
Ngoài các phẫu thuật mí đôi, lấy mỡ, nâng cung mày… đường ngoài hoặc có laser trợ giúp, vốn đã khá kinh điển. Gần đây nổi lên hai kỹ thuật mới để tăng thẩm mỹ tại mắt, đó là tiêm chất làm đầy filler và khâu chìm nhấn mí đôi. Tuy nhiên, thời gian qua, tại Bệnh viện Mắt Trung ương và một số Trung tâm Mắt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phải tiếp nhận và xử lý các biến chứng có liên quan đến hai loại dịch vụ nói trên, nhẹ có, nặng có, mù lòa cũng có.
Theo BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương, tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp không đơn giản như mọi người nghĩ. Những tai biến do làm đẹp như tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, cắt mí mắt nhầm vào cơ nâng mí… khiến chị em hoang mang, lo lắng hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng.
Ngoài những biến chứng nghiêm trọng kể trên, theo các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Mắt Trung ương, dịch vụ làm đẹp mắt thường gặp những biến chứng khác như tụ máu sưng nề vùng quanh mắt, đau, dị cảm, dị ứng, mụn mủ, mụn bọc mủ, u hạt do nhiễm trùng, hoại tử chỗ tiêm, các tai biến mạch máu, các biến chứng thải loại hay không dung nạp chất liệu filler… Chưa kể, nhiều nguy cơ tiềm ẩn lan truyền các bệnh truyền nhiễm nếu quá trình tiêm, phẫu thuật không bảo đảm vô trùng.
“Chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, dù “sửa chữa” đến mấy di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo cho bệnh nhân”, BS Cương nói.
Sáng suốt khi chọn cơ sở làm đẹp
Theo các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, hai loại chất liệu an toàn nhất được nhiều chuyên gia tin tưởng khi tiêm filler là Acid Hyaluronic và Collagene. Trước khi tiêm phải luôn hút thử seringue phòng khi tiêm vào mạch máu, đây là điểm sống còn. Khi tiêm có thể pha loãng, trộn với thuốc tê và thuốc co mạch để giảm đau, chống chảy máu. Hạn chế thể tích thuốc bơm vào cơ thể tối đa, bơm từ từ, không căng quá.
Để phòng ngừa các rủi ro khi đi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ, người dân cần tìm hiểu kỹ về phương pháp mà mình muốn làm đẹp, nhất là những phương pháp làm đẹp xâm lấn vào các bộ phận cơ thể.
Nếu bạn muốn tiêm filler thì phải chọn những nơi uy tín, được cấp phép. Những cơ sở thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp phép đều có ghi thông tin như: Số hiệu giấy phép hoạt động, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn trên bảng hiệu của cơ sở.
“Người tiêm filler phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân”, BS Cương nhấn mạnh.
Sau khi làm đẹp, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau nhức, sưng phù nề, nhìn mờ… cần lập tức đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa thăm khám ngay để được chữa trị kịp thời.