Tuy nhiên, nhiều giáo viên phổ thông và các chuyên gia giáo dục lại đặt tin tưởng vào kỳ thi này.
Trường nào thí sinh đó
Thí sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 làm 4/5 bài thi, trong đó có 3 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH)).
Thầy Lại Tiến Đẩu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Nam Định) cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được giao cho địa phương tổ chức có thể yên tâm về việc đánh giá khách quan, chính xác kết quả.
Thầy Đẩu phân tích: Với những dư âm không hay về việc tổ chức và kết quả thi ở một số địa phương năm 2018, năm nay việc địa phương được giao tổ chức thi với vai trò chính sẽ tăng thêm trách nhiệm, tổ chức kỳ thi theo đúng nghĩa, an toàn, nghiêm túc. Hơn ai hết các cấp chính quyền địa phương và ngành Giáo dục hiểu nếu để diễn ra tình trạng gian lận trong thi cử, những người được giao tổ chức và giám sát thi tại địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và dư luận. Thế nên việc tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế là điều hiển nhiên.
Trường nào thí sinh đó, việc phân hóa thí sinh dự thi và xét tuyển ĐH đã đi vào nền nếp từ nhiều năm nay. Thầy Đỗ Đại Đoàn, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (Quảng Ninh) cho rằng: Tuy không phải Kỳ thi THPT quốc gia, nhưng ý nghĩa của kỳ thi vẫn sẽ như cũ.
Kết quả thi không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn là căn cứ xét tuyển vào ĐH. Vì ý nghĩa như vậy, tôi cho rằng đề thi bảo đảm việc phân hóa thí sinh tốt. Thực tế cho thấy những năm gần đây, đề thi THPT quốc gia luôn đáp ứng tốt yêu cầu đó. Năm nay chắc chắn cũng sẽ như vậy.
Chuyên gia nói gì?
Đồng quan điểm với hiệu trưởng các trường THPT, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định: Năng lực học tập và nhu cầu người học sẽ quyết định việc đăng ký vào học trường nào. Thực tế cho thấy các trường đều muốn có nguồn tuyển tốt. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc yếu tố khác, trường có đủ uy tín để hấp dẫn người học không.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) phân tích: Trường ĐH Ngoại thương luôn lấy điểm cao nhất trong khối các trường đào tạo kinh tế. Thế nên, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường phải qua 2 vòng, vòng 1 là tâm lý.
Thực tế cho thấy rất nhiều thí sinh giỏi nhưng e dè đăng ký xét tuyển vào trường vì lo không trúng tuyển. Tâm lý này là thật và cần được thông cảm. Qua được vòng 1 đến vòng 2. Đó là thí sinh thực sự xuất sắc mới vượt qua những bạn khác để chính thức trúng tuyển.
Trả lời được hai câu hỏi này, nói lên quyết định lựa chọn của thí sinh buộc phải chính xác khi năng lực học tập đến đâu, lựa chọn trường nào cho hợp lý.
Còn theo PGS.TS Lê Văn Thanh, nguyên Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội: Trên cơ sở năng lực học tập của mình, suy tính để đưa ra lựa chọn trường mình yêu thích. Đưa ra quyết định chính xác là điều khó với sĩ tử tuổi 18. Nhưng tôi cho rằng hơn ai hết, chính mình mới hiểu được năng lực học tập ở mức nào. Tự tin nhưng phải trên cơ sở tính toán hợp lý, cũng không nên quá tự ti.
Thực tế phân tích từ các cơ quan chức năng và tâm lý xã hội cho thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được triển khai nghiêm túc, kết quả thi bảo đảm để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Trường ĐH, CĐ cũng dành lượng chỉ tiêu lớn cho hình thức xét tuyển này. Thế nên, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm sẽ trúng tuyển vào ngành học mà mình yêu thích.
1Điều lưu tâm duy nhất là cùng ngành học, nhưng điểm xét tuyển cao thấp sẽ rất khác nhau theo độ hot của từng trường. Đánh giá chính xác năng lực học tập, lựa chọn trường, ngành phù hợp là điều cần được tính kỹ.