Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh thành hai loại chính, bao gồm: Sốt xuất huyết (có/không có dấu hiệu cảnh báo) và sốt xuất huyết thể nặng.
Đa phần các trường hợp sốt xuất huyết đều có khả năng tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có nguy cơ tiến triển thành thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Việc chia nhóm bệnh có và không có dấu hiệu cảnh báo giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh nhân nhập viện, đảm bảo theo dõi chặt chẽ và giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn.
Sử dụng thuốc đúng cách
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh sử dụng các loại thuốc như sau:
- Khi sốt cao trên 38,5 độ C, cần hạ nhiệt bằng cách uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng 10 - 15mg/kg cân nặng/lần; uống mỗi lần cách nhau mỗi 4-6 giờ; tổng liều Paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.
- Người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không được sử dụng Aspirin, Alnagin, Ibuprofen để hạ sốt, vì dễ gây nguy hiểm gây xuất huyết, toan máu.
- Bên cạnh đó, để phòng các biến chứng, người sốt xuất huyết cần bù dịch sớm bằng đường uống như: Uống dung dịch bù điện giải Oresol pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn, uống nước trái cây (cam, chanh, bưởi...), uống nước cháo loãng với chút muối. Lượng dịch khuyến cáo uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
-Người bệnh không ăn, uống các loại đồ ăn, nước uống có màu nâu, đỏ như: Xá xị, socola...
Cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. |
6 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng ở người mắc bệnh sốt xuất huyết cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:
- Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);
- Nôn liên tục;
- Đau bụng dữ dội;
- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
- Khó thở
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, hiện nay có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện muộn gây tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.