Sự kiện này nêu bật các khó khăn mà truyền thông Sudan đang phải đối mặt. Hội thảo trực tuyến quy tụ các đối tác truyền thông quan trọng trong nước như Hiệp hội Nhà báo Sudan, Radio Dabanga, Diễn đàn Truyền thông Sudan và Beam Reports.
Đặc biệt, sự tham gia của Đại sứ Estonia từ Ai Cập và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Sudan, với vai trò đồng chủ tịch Liên minh Tự do Truyền thông, càng khẳng định tầm quan trọng của hội thảo và cam kết quốc tế trong việc hỗ trợ truyền thông Sudan.
Hiệp hội Nhà báo Sudan (SJA) đã lên tiếng về những thách thức to lớn mà các nhà báo phải đối mặt trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua. Họ lên án các vụ sát hại nhà báo và kêu gọi chính quyền cần có biện pháp bảo vệ tốt hơn.
Theo SJA, cuộc xung đột đã tàn phá ngành truyền thông Sudan. Hầu hết các cơ quan truyền thông đã ngừng hoạt động từ tháng 4/2023 do địa điểm làm việc đã trở thành nơi nguy hiểm. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, dẫn đến việc giảm mạnh hoạt động đưa tin và gia tăng thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch.
Hơn 1.000 nhà báo đã mất việc làm hoặc thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những người còn lại ở Sudan phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị sát hại, giam giữ và phá hoại tài sản.
Để ứng phó với tình hình này, Radio Dabanga đã thành lập Diễn đàn Truyền thông Sudan (SMF). Mục tiêu của diễn đàn là kết nối các cơ quan truyền thông, thúc đẩy truyền thông độc lập, chia sẻ thông tin và phổ biến tin tức. SMF dự kiến sẽ thành lập một phòng truyền thông chung để khuếch đại tiếng nói của các nhà báo, tăng cường thông tin nhân đạo và báo cáo về vi phạm nhân quyền.
Diễn đàn cũng đang xây dựng lộ trình phục hồi truyền thông cho giai đoạn hậu xung đột. Sáng kiến này được hỗ trợ bởi CFI, Free Press Unlimited, Internews, Media in Conflict and Transition, với sự tham gia của UNESCO. Mục tiêu là đảm bảo sự tồn tại của các cơ quan truyền thông, bảo vệ an toàn cho nhà báo, chống lại thông tin sai lệch và hỗ trợ cơ sở hạ tầng truyền thông.