Vào ngày 29 và 30/7, tại Đấu trường La Mã, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Rome (Italia), cuộc họp của các Bộ trưởng Văn hóa mở đầu bằng diễn văn phát biểu của Thủ tướng Italia Mario Draghi, Bộ trưởng Văn hóa Italia Dario Franceschini và Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
“Với cuộc họp cấp bộ trưởng G20 này, chúng tôi đang củng cố cam kết đưa văn hóa trở thành trung tâm về các chính sách công tại một trong những diễn đàn chính cho hợp tác quốc tế ”.
- Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay
Nhắc lại rằng đại dịch là cơ hội để hình thành các chính sách mới nhằm hỗ trợ nghệ sĩ và lĩnh vực văn hóa, bà Audrey kêu gọi cải thiện “địa vị và sự bảo vệ xã hội của những người làm ngành sáng tạo”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết bất bình đẳng còn tồn đọng trong lĩnh vực này.
Bà cũng kêu gọi các cam kết mạnh mẽ trước sự tiến triển của các mối đe dọa đối với di sản văn hóa. Về vấn đề này, Tổng Giám đốc UNESCO đưa ra lời khen ngợi trước các quyết định gần đây của Italia, bao gồm lệnh cấm các tàu du lịch lớn vào Đầm phá Venice, cũng như thành lập Lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ di sản, là những đề xuất cụ thể nhằm khai thác toàn bộ tiềm năng của di sản cho xã hội.
Bộ trưởng Văn hóa của các nước G20, có nền kinh tế kết hợp chiếm 80% GDP toàn cầu, và 9 đại diện của các tổ chức liên chính phủ, đã xem xét các cách để xây dựng ngành văn hóa hồi phục trở lại tốt hơn. Các bộ trưởng đã xem xét phương thức hỗ trợ khả năng của văn hóa, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi như một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội lâu dài, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Năm quốc tế về Kinh tế Sáng tạo năm 2021.
Dario Franceschini, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Italia cho biết: “Bảo vệ văn hóa, như UNESCO đã làm, có nghĩa là đóng góp vào đối thoại quốc tế, để công nhận và tôn trọng sự đa dạng.”
Các Bộ trưởng Văn hóa G20 đã thông qua Tuyên bố chung nhằm kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và các hoạt động liên quan. Tuyên bố ghi nhận sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, di sản văn hóa và du lịch văn hóa vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội lâu dài, mở rộng việc làm và lực lượng lao động có tay nghề cao. Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCI) và các hoạt động liên quan đóng góp 2.250 tỷ USD, tức là 2,25 nghìn tỷ USD, cho nền kinh tế toàn cầu, chiếm tới 3% GDP theo báo cáo của UNESCO’s Cultural Times. Khoảng 29,5 triệu người đang làm việc trong CCI và nhiều thanh niên từ 15 đến 29 tuổi làm việc trong lĩnh vực này hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Tuyên bố Văn hóa của các Bộ trưởng G20 nhằm mục đích kêu gọi các Nhà lãnh đạo G20 tăng quy mô đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20. Những nỗ lực này nhằm mở đường cho sự hội nhập văn hóa lâu dài trong G20 và trước thềm Hội nghị Thế giới về Chính sách Văn hóa và Phát triển Bền vững của UNESCO MONDIACULT 2022 sẽ được tổ chức tại Mexico vào năm tới.