Nhân học số là một khái niệm mới trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Thuật ngữ này xuất hiện trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây, khi con người bắt đầu bước vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Với những ưu thế về công nghệ và phương hướng tiếp cận mới, loại hình nghiên cứu nhân học này được xem là lựa chọn tất yếu cho các nhà nhân học trong thời 4.0.
Sự kiện ra mắt được lên kế hoạch vào ngày 24/9 tại trụ sở của UNESCO ở Paris, đây sẽ là sự kiện then chốt trong việc thiết lập hoạt động của mối Quan hệ Đối tác này. Phong trào thúc đẩy nhân học số nhằm đáp ứng với tốc độ nhanh chóng của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và cách quá trình này tác động lên mọi mặt xã hội, văn hóa và con người. Nhân học số xem xét cách công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số như Twitter, TikTok, Tinder, Google, Instagram và YouTube đang thay đổi động lực xã hội, nền kinh tế và thậm chí toàn bộ quốc gia — cung cấp cho các chính phủ, nhà giáo dục, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, tổ chức có quan tâm, những hiểu biết có giá trị về các hiện tượng xã hội.
Đối tác của UNESCO là Trung tâm Nhân học Kỹ thuật số LiiV, sẽ dẫn dắt quá trình thống nhất cuộc đối thoại xung quanh việc hiện đại hóa tư duy đồng cảm và phương pháp nghiên cứu dân tộc học với quy mô và độ chính xác của khoa học dữ liệu. Sự hợp tác sẽ tạo điều kiện cho các chương trình cấp bằng học thuật toàn cầu, cùng với các sáng kiến nghiên cứu và công nghệ để thúc đẩy lĩnh vực đổi mới này tiến lên trên cả khu vực công và tư nhân.
Trung tâm Nhân học Kỹ thuật số LiiV sẽ cung cấp một diễn đàn hợp tác về nhân học kỹ thuật số như một lĩnh vực chính của điều tra học thuật và chuyển đổi xã hội.
Công cuộc số hóa đang biến đổi nền tảng văn hóa của chúng ta theo cách vừa toàn cầu hóa vừa rất chia rẽ, cần phải thiết lập những chính sách phù hợp với bối cảnh riêng của các nền văn hóa. Thế giới cần đến Nhân học số để làm cho dữ liệu thêm sát thực, giúp các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về nhu cầu và trải nghiệm của người dân trên nền tảng số. Thế giới đang rất cần Nhân học số để đánh giá các phản ánh chính trị và kinh tế với quan điểm mới mẻ, hướng đến một thế giới công bằng và bền vững hơn cho ngày mai.
Gabriella Ramos, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Xã hội & Nhân văn
Sự hợp tác này thực hiện sứ mệnh của UNESCO nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người có thể sống một cuộc sống đàng hoàng thông qua hợp tác quốc tế trong giáo dục, khoa học và văn hóa, với mục tiêu thiết lập nhân học số như một lĩnh vực chính, hứa hẹn giúp xã hội, các nhà lãnh đạo và những người tạo ra sự thay đổi hiểu được nhân loại hiện đại và ý nghĩa của việc trở thành "công dân số" (digital citizen).
Nghiên cứu nhân học số có lý thuyết và có các phương pháp thực hành riêng biệt. Việc áp dụng những phương pháp này khuyến khích các nhà nhân học chia sẻ nghiên cứu, sử dụng nền tảng kỹ thuật số và đề xuất các giải pháp để nghiên cứu các cộng đồng số. Có thể nói, nhân học số là nghiên cứu văn hóa của các nhóm người hiện đại khi họ điều hướng cuộc sống vật chất và kỹ thuật số của mình thông qua internet và công nghệ cũng như các hiện tượng kỹ thuật số xã hội phát sinh từ việc sử dụng hàng loạt các thiết bị công nghệ, như máy chơi game, điện thoại thông minh hay thiết bị di động.
Phong trào này đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về đạo đức trên khắp các xã hội và phù hợp sâu sắc với bộ các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của UNESCO. Việc đạt được các mục tiêu này đòi hỏi hệ thống dữ liệu mạnh mẽ hơn, phản ánh tốt hơn nhu cầu của con người — đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân và kết hợp thông tin định tính và phi cấu trúc. Đây là bước đầu tiên quan trọng trong việc xây dựng một tương lai đạo đức tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh.
Chúng tôi rất vui mừng, vinh dự và khiêm tốn khi cùng UNESCO bắt tay xây dựng mối quan hệ hợp tác mới. Đây là lời kêu gọi hành động và tham gia đối thoại, nhằm thống nhất tiếng nói toàn cầu cho nhân học số.
James Ingram, Giám đốc điều hành của LiiV
Nhân học Kỹ thuật số giải quyết những vấn đề gì?
Nhân học số thiết lập cầu nối giữa cuộc sống kỹ thuật số của mọi người và môi trường phi kỹ thuật số (phương pháp tiếp cận toàn diện), theo một cách không bị giới hạn trong môi trường trực tuyến.
Nhân học số nêu bật tiếng nói của con người, ưu tiên dữ liệu định tính và giải thích dựa trên khía cạnh nhân văn hơn dữ liệu định lượng, nhưng không bỏ qua việc sử dụng các công cụ thống kê để phân tích.
Các nhà nhân học sử dụng cách tiếp cận đa phương tiện, xem xét các công nghệ kỹ thuật số (và phi kỹ thuật số) khác nhau được con người sử dụng để hiểu thực tế về văn hóa xã hội.
Nhân học số thông thường được thực hiện qua phương pháp dân tộc học số (digital ethnography). Không giống như các phương pháp luận khác, tập trung nghiên cứu bản chất của các tương tác trực tuyến của con người. trong dân tộc học số, ranh giới giữa người nghiên cứu và người dân trong việc sản xuất thông tin đã bị xóa đi, đồng thời tạo ra một nguồn dữ liệu mở về dân tộc học vô cùng phong phú mà không nhà nghiên cứu nào có thể thực hiện được.
Nhân học số giúp định nghĩa “bộ lạc kỹ thuật số” (digital tribe) là những nhóm người không chỉ đoàn kết về mặt thể chất mà còn chia sẻ các tập quán và phong tục mang lại cho họ cảm giác thuộc về biểu tượng. Họ không cần không gian vật lý để củng cố sự gắn kết. Thay vào đó, chúng phát sinh từ những trải nghiệm kỹ thuật số được chia sẻ (Cova & Cova, 2002).Lĩnh vực này nhấn mạnh vai trò tương tác của mọi người hơn là công nghệ.
PGS Nguyễn Trường Giang, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, từng chia sẻ: “Các nhà nhân học ở Việt Nam đã sử dụng các phương pháp dựa trên nền tảng công nghệ số như: làm phim cộng đồng, photovoice hay đồng nghiên cứu, từng bước tạo nên “ngành” nhân học số, nhân học hợp tác - chia sẻ trong một số dự án hợp tác với các nhóm cộng đồng”. Tuy nhiên, nhân học số tại Việt Nam chưa thật sự trở thành một trào lưu mạnh mẽ phù hợp với xu thế của thời đại.