Mở đầu chuỗi phỏng vấn là cuộc trò chuyện với bà Charlene Miwa Nagae, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tornavoz – một tổ chức dân sự của Brazil do các nữ luật sư thành lập. Tornavoz chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nhà báo nữ đối mặt với nguy cơ kiện tụng và đe dọa pháp lý.
Bảo vệ pháp lý cho nhà báo nữ: Một nhu cầu cấp thiết
Trong cuộc phỏng vấn, Charlene Miwa Nagae nhấn mạnh dự án “Bảo vệ Tiếng nói Phụ nữ” do GMDF tài trợ, nhằm hỗ trợ pháp lý cho các nữ nhà báo và các cơ quan truyền thông do họ lãnh đạo. Bà cũng chia sẻ về những thách thức đặc thù mà các nhà báo nữ gặp phải, bao gồm quấy rối tư pháp, bạo lực trên mạng và cả ngoài đời thực.
Báo cáo The Chilling của UNESCO từng chỉ ra mức độ nghiêm trọng của bạo lực trực tuyến nhắm vào các nhà báo nữ, càng cho thấy công việc của Tornavoz có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí và sự an toàn pháp lý của họ.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Charlene đề cập là tội phỉ báng hình sự, một công cụ thường được sử dụng để bịt miệng báo chí. Bà chia sẻ: “Chúng tôi biết đây là một chặng đường dài. Sẽ mất nhiều năm để thay đổi điều này, nhưng chúng tôi phải bắt đầu từ bây giờ”.
Vai trò của Quỹ Bảo vệ Truyền thông Toàn cầu (GMDF)
Chuỗi phỏng vấn này là một phần trong sáng kiến của GMDF nhằm giới thiệu các dự án bảo vệ pháp lý cho nhà báo, điều tra các vụ tấn công báo chí và thúc đẩy kiện tụng chiến lược. Các cuộc trò chuyện không chỉ có sự góp mặt của các tổ chức đối tác mà còn bao gồm cả những nhà báo đã nhận hỗ trợ từ GMDF, qua đó thể hiện tác động thực tế của các sáng kiến này.
Quỹ Bảo vệ Truyền thông Toàn cầu được UNESCO thành lập trong khuôn khổ Chiến dịch Toàn cầu về Tự do Truyền thông, dưới sự bảo trợ của Kế hoạch Hành động của Liên Hợp Quốc về An toàn cho Nhà báo và Vấn đề Chống lại Tình trạng Miễn trừ Trừng phạt. Quỹ này được tài trợ bởi Vương quốc Anh và Canada, hoạt động như một cơ chế hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận trên toàn cầu trong việc thực hiện hoặc mở rộng các dự án bảo vệ nhà báo và tăng cường tự do báo chí thông qua điều tra báo chí hoặc kiện tụng chiến lược.
Sau 5 năm hoạt động, GMDF đã tài trợ hơn 150 dự án trên toàn thế giới, hỗ trợ hơn 8.000 nhà báo, 1.400 luật sư và 300 tổ chức truyền thông. Quỹ đã giúp thực hiện hơn 1.000 vụ hỗ trợ pháp lý, 230 cuộc điều tra báo chí và 170 vụ kiện tụng chiến lược.
Thông qua chuỗi phỏng vấn này, UNESCO hy vọng sẽ đưa những câu chuyện thực tế về bảo vệ tự do báo chí đến gần hơn với công chúng, đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng toàn cầu để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và an toàn của các nhà báo.