Khung đối thoại toàn diện
Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên quốc gia, đồng thời đề cao vai trò thiết yếu của các bảo tàng và giới học thuật trong việc phát triển các thỏa thuận đổi mới về hoàn trả và hồi hương tài sản văn hóa.
Cuộc đối thoại có sự tham gia của các chuyên gia bảo vệ di sản văn hóa và đại diện từ mười quốc gia Trung Mỹ: Belize, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua và Panama.
Ông Ernesto Ottone R., Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách Văn hóa cho biết: “Tất cả các quốc gia Trung Mỹ, nơi giao thoa của lịch sử và đa dạng văn hóa, đã phê chuẩn Công ước 1970, thể hiện cam kết chung trong việc bảo vệ tài sản văn hóa khỏi nạn nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển nhượng trái phép.”
Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu nguồn gốc hiện vật và sự phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật, bộ văn hóa, các bảo tàng và giới học thuật để xác định và hoàn trả tài sản văn hóa về đúng quốc gia sở hữu.
Một phiên thảo luận chuyên sâu tập trung vào việc hoàn trả tài sản văn hóa cho các cộng đồng bản địa, nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt cộng đồng vào trung tâm của quá trình hồi hương. Trong suốt các cuộc thảo luận, thuật ngữ "rematriation" (hồi hương mang tính văn hóa và cộng đồng) được sử dụng thay vì "repatriation" (hồi hương đơn thuần) nhằm phản ánh quan điểm này.
Bà Liwy Grazioso, Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao Guatemala nhấn mạnh: “Một hiện vật được hồi hương không chỉ là một cổ vật trở về. Đó là một câu chuyện bắt đầu được kể lại sự thật của chính nó.”
Vai trò trung tâm của bảo tàng và sự hợp tác xuyên biên giới
Sự kiện cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các bảo tàng trong việc hợp tác xuyên biên giới và nâng cao năng lực nghiên cứu nguồn gốc hiện vật. Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến sự phát triển của bảo tàng tại các khu di tích khảo cổ, từ đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản.
Nhiều trường hợp hoàn trả hiện vật thành công gần đây được trình bày tại cuộc đối thoại đã cho thấy tầm quan trọng của hành động tập thể giữa các quốc gia liên quan, bao gồm cả các sáng kiến nâng cao nhận thức cộng đồng và chia sẻ tri thức.
Cuộc đối thoại chứng minh rằng việc hồi hương tài sản văn hóa không chỉ đơn thuần là đưa các hiện vật trở về, mà còn là một chất xúc tác cho tiềm năng mới. Các cuộc thảo luận về hoàn trả và hồi hương thúc đẩy các dự án hợp tác văn hóa và khoa học đầy tham vọng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tàng học, đồng thời làm phong phú thêm các cuộc tranh luận rộng hơn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hướng tới MONDIACULT 2025
Cuộc đối thoại khu vực tại Antigua Guatemala là một phần trong chuỗi sự kiện do UNESCO tổ chức nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mới nhất về việc hoàn trả và hồi hương tài sản văn hóa. Công tác này được khởi xướng từ tháng 6 năm 2023 tại Trụ sở UNESCO ở Paris, nơi diễn ra phiên trao đổi đầu tiên về các thỏa thuận mới trong lĩnh vực này.
Các cuộc đối thoại này phù hợp với Hiệp ước vì Tương lai (Pact for the Future), được các nguyên thủ quốc gia thông qua vào tháng 9 năm 2024 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó khuyến khích các quốc giatích hợp văn hóa vào chính sách công và tăng cường hợp tác quốc tế về hoàn trả và hồi hương tài sản văn hóa. Những thảo luận này cũng sẽ đóng góp vào quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Toàn cầu về Chính sách Văn hóa và Phát triển Bền vững – MONDIACULT 2025, dự kiến diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha, từ ngày 29 tháng 9 đến 1 tháng 10 năm 2025.