Hàng trăm quan chức, các đại diện từ các công ty công nghệ, các viện nghiên cứu học thuật và nhiều tổ chức quan tâm đã được mời tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Hội nghị tập trung thảo luận về cách thức sàng lọc nội dung trên mạng Internet mà vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của con người.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng các nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách thức con người kết nối và đối diện với thế giới, đối diện với nhau. Tuy nhiên, chỉ bằng cách đánh giá đầy đủ về cuộc cách mạng công nghệ này, thế giới mới có thể đảm bảo rằng cách mạng không làm tổn hại các quyền cơ bản của con người. UNESCO cảnh báo rằng dù các nền tảng truyền thông xã hội đã mang lại nhiều lợi ích trong chia sẻ thông tin liên lạc và kiến thức nhưng những nền tảng này lại phụ thuộc vào các thuật toán vô tri, không dành sự ưu tiên đúng mức cho những tiêu chuẩn an toàn và quyền con người.
Nhiều chuyên gia và đại diện các chính phủ đã phát biểu tham luận tại hội nghị, trong đó có Christopher Wylie, nhà khoa học dữ liệu từng góp phần phanh phui bê bối tiết lộ dữ liệu người dùng Facebook. Một số ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng truyền thông xã hội đang là vùng đất nảy nở những thông tin sai lệch, các hệ thống thông tin liên lạc hiện nay thậm chí đang thao túng con người từ bên trong. Do đó, nếu chỉ tập trung vào việc đính chính nội dung thì sẽ chỉ như "muối bỏ bể". Việc cần làm là tìm đến nguồn gốc tạo những thông tin gây ô nhiễm không gian mạng và chặn đứng hoạt động này.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula đã gửi thông điệp tới hội nghị của UNESCO với nội dung nhấn mạnh cần chặn đứng các chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số và các ứng dụng tin nhắn mà ở đó những thông tin sai lệch được sử dụng để thao túng dư luận. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi gai góc của thời đại.