Mặc dù bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu của UNESCO, tâm điểm của lễ mừng năm này tập trung vào lĩnh vực sáng tạo. Chủ đề chính thức của Liên hợp quốc cho năm nay là “Phụ nữ trong công cuộc thay đổi thế giới” nên UNESCO cũng tổ chức các hoạt động khuyến khích thế hệ phụ nữ trẻ kế cận.
Phó Tổng giám đốc UNESCO, Getachew Engida, khi khai mạc Triển lãm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2017, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia, họa sỹ và nhà điêu khắc từ khắp nơi trên thế giới, đã đưa ra đề tài chính của ngày này khi ông nhấn mạnh rằng “xuyên suốt lịch sở loài người, phụ nữ đã sử dụng sự sáng tạo của mình trong hành trình đấu tranh giành lấy sự bình đẳng, công bằng và nhân phẩm” và rằng triển lãm này là một hiện thân của truyền thống đó. Dựa trên chủ đề “Sự sáng tạo của phụ nữ trẻ trong việc kiến tạo tương lai,” 11 nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang danh quốc tế và được vinh danh vì những tác phẩm về bình đẳng giới và công bằng xã hội.
Được UNESCO và Ủy ban Quốc gia Phụ nữ Liên hợp quốc Pháp hợp tác tổ chức, một cuộc hội bàn sôi nổi tập trung các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà làm phim, các doanh nghiệp văn hóa và các chuyên gia nhằm giải quyết những thách thức mà các nữ nghệ sĩ phải đối mặt cũng như để khai thác sự sáng tạo để vượt qua những định kiến giới và đạt được bình đẳng giới.
Bộ trưởng Bộ gia đình, trẻ em và quyền của phụ nữ Pháp, bà Laurence Rossignol phát biểu: “Chúng ta đang phải chứng kiến những đe dọa nghiêm trọng tới quyền phụ nữ trên toàn thế giới và nghệ thuật là một phương tiện quan trọng để chống lại những đe dọa này.” Nhiều nghệ sỹ nữ, trong đó có Deeyah Khan, Đại sứ thiện chí của UNESCO về tự do nghệ thuật và sáng tạo, đã trình bày những khó khăn gặp phải vì là phụ nữ trong khi theo đuổi nghề nghiệp này. Nhưng Khan cũng nói thêm rằng: “Tự do thể hiện nghệ thuật của phụ nữ đồng nghĩa với tự do hơn cho tất cả mọi người” và cô cũng đã ca ngợi mục tiêu của Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và Phát huy sư đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhằm thúc đẩy tự do nghệ thuật.
Cuộc triển lãm và hội bàn đã được khép lại bằng một buổi hòa nhạc công cộng của ca sĩ – nhạc sĩ trẻ người Pháp Louane và “Her”, bộ đôi nam nghệ sĩ tự giới thiệu là “những người ủng hộ nữ quyền”. Phát biểu trước buổi hòa nhạc, thành viên Victor Solf của “Her” cho biết nếu không có những người phụ nữ đã hợp tác với họ, đặc biệt là quản lý nhóm và phụ trách làm video cho họ, nhóm đã không thể phát triển về mặt nghệ thuật như hiện nay và việc nam giới cũng tham gia vào hoạt động thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ trong nghệ thuật là điều rất quan trọng.
Phụ nữ trong mọi lĩnh vực hoạt động
UNESCO không chỉ khuyến khích bình đẳng giới trong nghệ thuật, mà còn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Đây là thông điệp của bốn nhà ngoại giao, nhà báo và nhạc sĩ nữ, những đại diện xuất sắc trong lĩnh vực của mình đưa ra trong một Hội trại UNESCO với sự tham gia của 400 thanh niên. “Với tôi, được thấy những phụ nữ này đã thành công ra sao và hiểu được những trở ngại mà họ đã phải vượt qua là điều rất quan trọng. Tôi hi vọng là để một ngày nào đó tôi sẽ theo đuổi nghiệp báo chí và biết được rằng dù là phụ nữ tôi vẫn có thể làm được công việc đó,” một nữ thanh niên chia sẻ tại sự kiện.
Để giúp những phụ nữ trẻ như cô, UNESCO cũng đưa ra chiến dịch Phụ nữ Làm Tin 2017 nhằm mục đích cải thiện sự hiện diện của phụ nữ ở trong cả phòng tin tức lẫn các phương tiện truyền thông đưa tin. Chiến dịch này được UNESCO tổ chức với sự hợp tác của Liên minh Toàn cầu về Truyền thông và Giới và Phụ nữ Liên hợp quốc, với các đối tượng nhắm đến là các tổng biên tập, các nhà báo, các blogger, các trường báo chí, các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ.
Các nhà nữ hải dương học cũng chia sẻ với các thanh niên mong muốn theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học đại dương. Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến để giải đáp các câu hỏi và khuyến khích thanh niên tham gia vào nghề này.
Tầm quan trọng của giáo dục trẻ em gái và phụ nữ
Giáo dục là trọng tâm để trao quyền cho phụ nữ và để công nhận điều này, UNESCO đã đưa ra Giải thưởng UNESCO lần 2 cho Giáo dục Trẻ em gái và Phụ nữ. Giải thưởng này tôn vinh những đổi mới và đóng góp nổi bật trong lĩnh vực này của các cá nhân và tổ chức.
Tuy nhiên, ấn phẩm mới của Atlas điện tử về Bất bình đẳng giới trong giáo dục đã cho thấy vẫn còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Bản Atlas điện tử do Viện thống kê của UNESCO lập ra cho thấy trẻ em gái và phụ nữ đang có những tiến bộ nhưng vẫn còn tụt hậu ở mọi cấp giáo dục.
Trong khi bình đẳng giới đã trở thành Ưu tiên Toàn cầu của UNESCO từ năm 2008, Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững đến năm 2030 đã tạo động lực mới cho việc thúc đẩy cơ hội cho trẻ em gái và phụ nữ. UNESCO đã luôn nỗ lực quanh năm để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự này để cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường cho phụ nữ và nam giới trên toàn cầu. Chỉ khi khai thác được toàn bộ năng lực của nữ giới ở mọi tầng lớp xã hội, chúng ta có thể hi vọng đạt được những mục tiêu này.