1. Ngày Quốc tế Biết Chữ 8/9 (tiếng Anh: World Literacy Day, còn gọi là Ngày Biết Chữ Thế giới, Ngày Giáo dục Thế giới)
Kể từ năm 1967, các lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa mù chữ đã diễn ra hàng năm trên khắp thế giới để nhắc nhở công chúng về tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết như một vấn đề nhân phẩm và nhân quyền.
Bất chấp những tiến bộ đã đạt được, những thách thức về khả năng đọc - viết vẫn còn tồn tại với ít nhất 771 triệu thanh niên và người lớn thiếu các kỹ năng đọc viết cơ bản ngày nay.
Bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng cũng cản trở sự tiến bộ của nhân loại. Hậu quả của đại dịch, gần 24 triệu người học có thể sẽ không bao giờ quay trở lại trường, 11 triệu người trong số đó là trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần làm phong phú và chuyển đổi các không gian học tập hiện có thông qua cách tiếp cận tích hợp và cho phép học xóa mù chữ theo quan điểm học tập suốt đời.
Ngày Quốc tế Biết chữ năm nay được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Chuyển đổi không gian học xóa mù chữ”, là cơ hội để suy nghĩ lại tầm quan trọng cơ bản của không gian học, nhằm xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo chất lượng, công bằng và giáo dục hòa nhập cho tất cả mọi người.
2. Ngày Quốc tế Chống Tấn công vào Trường học 9/9 (tiếng Anh: International Day to Protect Education from Attack)
Việc quân đội chiếm đóng các trường học và các cơ sở giáo dục khác vẫn là một vấn đề nhức nhối, tước đi quyền tiếp cận nền giáo dục chất lượng của học sinh. Trong sáu năm qua, Liên minh Toàn cầu Bảo vệ Giáo dục khỏi Tấn công (GCPEA) đã thu thập hơn 13.400 báo cáo về các cuộc tấn công vào cơ sở giáo dục hoặc quân sự chiếm đóng các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới - với hơn 25.000 sinh viên, giáo viên và học giả bị thương, thiệt mạng hoặc bị tổn hại trong các cuộc tấn công như vậy. Tất cả được thực hiện trong các tình huống xung đột vũ trang hoặc mất an ninh.
Xung đột vũ trang mang lại nhiều rào cản tàn khốc cho việc học tập. Sự kéo dài của các cuộc xung đột ngày nay ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của toàn bộ thế hệ, đặc biệt là của trẻ em và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.
Năm 2020 là lần đầu tiên thế giởi kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống Tấn công vào Trường học. Hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về bảo tồn giáo dục và bảo vệ các cơ sở trường học khỏi bị tấn công, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ định UNESCO và UNICEF đóng vai trò đồng hỗ trợ cho việc tổ chức kỷ niệm ngày này hàng năm. Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên liên quan ưu tiên vấn đề này trong chương trình nghị sự quốc tế, và hành động hợp lý để giảm bớt tình trạng học sinh bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang.
Trường học, trường đại học và các cơ sở giáo dục phải luôn là nơi trú ẩn an toàn để thúc đẩy hòa bình và phát triển. Bản chất dân sự của các trường và cơ sở giáo dục nên được công nhận và bảo vệ, không bao giờ bị nhắm mục tiêu. Quyền được học hành phải được mọi người tôn trọng, đề cao và hưởng thụ, đặc biệt là trong các tình huống xung đột vũ trang và mất an ninh trật tự.
3. Ngày Quốc tế vì Dân chủ 15/9 (tiếng Anh: International Day of Democracy)
Ngày Quốc tế vì Dân chủ tạo cơ hội để xem xét tình trạng dân chủ trên thế giới. Chỉ khi có sự tham gia và hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, các cơ quan quản lý quốc gia, xã hội dân sự và các cá nhân, lý tưởng dân chủ mới có thể trở thành hiện thực và được mọi người, ở mọi nơi hưởng thụ.
Các giá trị tự do, tôn trọng nhân quyền và nguyên tắc tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ và chân chính theo chế độ phổ thông đầu phiếu là những yếu tố cần thiết của nền dân chủ. Đổi lại, dân chủ cung cấp môi trường tự nhiên để bảo vệ và thực hiện hiệu quả các quyền con người.
Tại mỗi thời điểm quan trọng ghi dấu ấn trong lịch sử đương đại, UNESCO đều hỗ trợ sự phát triển hòa bình của các xã hội bằng cách đóng góp vào việc xây dựng và củng cố nền dân chủ, phát triển các thể chế dân chủ.
4. Ngày Quốc tế Thể thao Đại học 20/9 (Tiếng Anh: International Day of University Sport)
Thể thao đại học có một vị trí rất đặc biệt trong thế giới thể thao - như là một trung gian của các giá trị nhân văn, xã hội và công dân, được tích hợp đầy đủ vào việc giáo dục công dân hôm nay và mai sau. Bằng cách đặt thể thao vào trọng tâm của cuộc đối thoại giữa giáo viên và sinh viên, Ngày Quốc tế Thể thao Đại học được tổ chức bởi UNESCO và Liên đoàn Thể thao Đại học Quốc tế nhằm mục đích thúc đẩy những giá trị này trong giới trẻ và thông qua họ, đến toàn xã hội.
Đối thoại, tự trọng và tôn trọng người khác, thi đấu công bằng và theo đuổi sự xuất sắc là tất cả các nguyên tắc chung. Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao Đại học tạo cơ hội để UNESCO tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển của cá nhân và tập thể thông qua thể thao và giáo dục, như được nêu trong Điều lệ Quốc tế về Giáo dục Thể chất, Hoạt động Thể dục và Thể thao và Công ước Quốc tế về Chống Doping trong Thể thao.
5. Ngày Quốc tế Hòa Bình 21/9 (Tiếng Anh: International Day of Peace)
Thiết lập một nền văn hóa hòa bình và phát triển bền vững là trọng tâm nhiệm vụ của UNESCO. Ngày Quốc tế Hòa bình tôn vinh sức mạnh của sự đoàn kết toàn cầu để xây dựng một thế giới hòa bình và bền vững.
Các thế lực chia rẽ mới đã xuất hiện gieo rắc lòng căm thù, chủ nghĩa khủng bố đang thúc đẩy bạo lực, trong khi chủ nghĩa cực đoan bạo lực tìm cách đầu độc tâm trí của những người trẻ và dễ bị tổn thương. Ở những vùng nghèo nhất và kém phát triển nhất trên thế giới, thiên tai liên quan đến khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mong manh hiện có, gia tăng hiện trạng cưỡng bức di cư và làm tăng nguy cơ bạo lực. Các rào cản đối với hòa bình rất phức tạp, và rõ ràng không một quốc gia nào có thể giải quyết chúng một mình.
"Chịu trách nhiệm vì hòa bình có nghĩa là hành động để khắc phục những khiếm khuyết và bất công đang tiếp tục ngăn cản chúng ta đạt được một thế giới bình đẳng. Bởi vì, một hành tinh bị xói mòn bởi sự phân chia là một hành tinh không có hòa bình", Tổng Giám đốc UNESCOAudrey Azoulay nhấn mạnh.
6. Ngày Quốc tế Tiếp cận Thông tin Toàn cầu 28/9 (Tên tiếng Anh: International Day for Universal Access to Information)
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 đã tuyên bố ngày 28/9 là Ngày quốc tế Tiếp cận Thông tin toàn cầu (IDUAI) ở cấp Liên hợp quốc vào tháng 10/2019.
UNESCO và các chương trình liên chính phủ - bao gồm: Chương trình Quốc tế về Phát triển Truyền thông và Chương trình Thông tin cho Tất cả - cung cấp nền tảng và khuôn khổ cho tất cả các bên liên quan tham gia vào các cuộc thảo luận quốc tế về chính sách và hướng dẫn trong lĩnh vực tiếp cận thông tin.
Chủ đề của Hội nghị toàn cầu về tiếp cận thông tin toàn cầu 2022 là “Trí tuệ nhân tạo, quản trị điện tử và tiếp cận thông tin”.
Lễ kỷ niệm toàn cầu sẽ diễn ra tại Tashkent, Uzbekistan vào ngày 28/9/2022, bao gồm khai mạc cấp cao, kèm theo hội nghị bàn tròn liên bộ về Tiếp cận thông tin và Trí tuệ nhân tạo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.