UNESCO đã khởi động dự án "Phát triển kỹ năng để tạo việc làm ở các khu vực nông thôn Uzbekistan"
Để phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững SDG4 về Giáo dục Chất lượng, vào tháng 7/2020, UNESCO đã khởi động dự án này do Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng số tiền là 9,6 triệu euro. Mục tiêu của dự án 4 năm (2020-2024) này là nâng cao mức sống ở khu vực nông thôn thông qua tạo việc làm tốt hơn và chuẩn bị cho cả phụ nữ và nam giới các kỹ năng phù hợp với nhu cầu của nền nông nghiệp bền vững, đa dạng và hiện đại hóa.
"Dự án được đánh giá là kịp thời và phù hợp trong việc hỗ trợ các cải cách của chính phủ nhằm giúp đỡ những người dân nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, bị mất việc làm và giảm doanh thu. Dự án cũng giúp chúng tôi nuôi dưỡng thế hệ trẻ sau COVID-19 cũng như tăng cường khả năng phục hồi, đáp ứng những thách thức trong tương lai."
- Ông Aziz Abdukhakimov, Phó Thủ tướng Cộng hòa Uzbekistan
Dự án góp phần nâng cao chất lượng, mức độ phù hợp, hiệu quả và hiệu lực của Hệ thống Phát triển Kỹ năng trong lĩnh vực Nông nghiệp và Thủy lợi tại bốn khu vực được lựa chọn của Uzbekistan: Bukhara, Karakalpakstan, Khorezm và Surkhandarya. UNESCO sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển, thử nghiệm và thí điểm các sáng kiến, cách tiếp cận mới nhằm nhân rộng các phương pháp xuyên suốt, nông nghiệp và chế biến thực phẩm công nghệ cao, cũng như các phương pháp tiếp cận sáng tạo mang lại lợi ích cho các cộng đồng nông thôn trong cả nước. Dự án hiện đã bước vào giai đoạn triển khai.
Uzbekistan là trung tâm của con đường tơ lụa, có một vị trí rất đặc biệt trong các mối quan hệ giao lưu và đối thoại đã tạo nên bản sắc độc đáo của khu vực Trung Á. (Ảnh: Lonely Planet) |
UNESCO đang nỗ lực bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản được liệt kê trong Danh sách Di sản Thế giới
Một dự án chung khác mà Tổ chức đã triển khai từ năm 2018, với sự hợp tác của Liên minh Châu Âu, là «Hành lang Di sản Con đường Tơ lụa ở Afghanistan, Trung Á và Iran - Không gian quốc tế của Năm Di sản Văn hóa Châu Âu».
Dự án nhằm mục đích bảo vệ, nâng cao nhận thức và quảng bá di sản văn hóa chung trên Con đường Tơ lụa, cũng như sử dụng di sản này làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Dự án bao gồm việc nâng cao năng lực của các cộng đồng địa phương, cả phụ nữ và thanh niên, trong lĩnh vực thủ công truyền thống ở Uzbekistan. Từ đó góp phần tạo ra các cơ hội tăng thêm thu nhập.
Vào năm 2020, Nghệ thuật Thu nhỏ (Miniature Art), một nghề truyền thống được coi là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa và xã hội của Uzbekistan đã được ghi vào Danh sách đại diện Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO (cùng với Azerbaijan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ), nâng tổng số hạng mục được công nhận di sản thế giới của Uzbekistan lên 8. |
Trong khuôn khổ dự án, Văn phòng UNESCO Tashkent đã tổ chức một loạt khóa đào tạo và một khóa học trực tuyến về kỹ năng thủ công và kinh doanh cho những người làm nghề thủ công và nhà thiết kế ở Margilan vào năm 2020.
UNESCO hỗ trợ phát triển du lịch bền vững ở Karakalpakstan với dự án Liên hợp quốc “Giải quyết những bất an của người dân vùng Biển Aral thông qua thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững”. Dự án được khởi động vào năm 2019 và được tài trợ bởi Quỹ Ủy thác An ninh Con người Đa đối tác của Liên hợp quốc cho khu vực Biển Aral ở Uzbekistan (MPHSTF). Dự án giải quyết những bất an về môi trường, xã hội và kinh tế ở những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất của vùng Biển Aral. Các giải pháp toàn diện cho các vấn đề môi trường được thực hiện nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nâng cao mức sống và phát triển bền vững ngành du lịch và khách sạn ở Karakalpakstan.