Việc nhiều trường học trên khắp thế giới phải đóng cửa trong đại dịch COVID-19 đã khiến giáo dục bị gián đoạn nghiêm trọng. Ước tính có khoảng 365 triệu học sinh tiểu học không được cung cấp bữa ăn ở trường. Tỷ lệ căng thẳng, lo lắng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác của các em cũng đã tăng lên đáng kể.
"Trường học đóng một vai trò quan trọng đối với hạnh phúc của học sinh, gia đình và cộng đồng. Mối liên hệ giữa giáo dục và y tế chưa bao giờ rõ ràng hơn. Các tiêu chuẩn toàn cầu mới được thiết kế để tạo ra những trường học đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế, đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng về sức khỏe và hạnh phúc trong tương lai, tăng khả năng tìm được việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống."
- Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO
Dựa trên bộ tám tiêu chuẩn toàn cầu, gói tài nguyên nhằm đảm bảo tất cả các trường học thúc đẩy phát triển kỹ năng sống, nhận thức và giao tiếp xã hội, cùng lối sống lành mạnh cho tất cả học sinh. Các tiêu chuẩn toàn cầu này sẽ được thí điểm ở Botswana, Ai Cập, Ethiopia, Kenya và Paraguay. Sáng kiến này đóng góp vào mục tiêu "1 tỷ cuộc sống khỏe mạnh hơn" vào năm 2023 của WHO và Chương trình nghị sự 2030 về Giáo dục toàn cầu do UNESCO điều phối.
"Giáo dục và y tế là những quyền cơ bản phụ thuộc lẫn nhau đối với tất cả mọi người, là cốt lõi của bất kỳ quyền con người nào, là cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Thế giới không nên chấp nhận những trường học không đảm bảo yếu tố nâng cao sức khỏe cho học sinh. Tôi kêu gọi tất cả chúng ta khẳng định cam kết và vai trò của mình, đưa mọi trường học trở thành trường học nâng cao sức khỏe."
- Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO
Tiêu chuẩn toàn cầu cung cấp nguồn lực cho các hệ thống giáo dục để giúp tăng cường sức khỏe và hạnh phúc thông qua quản trị mạnh mẽ hơn. UNESCO và WHO sẽ làm việc với các chính phủ để cho phép các quốc gia điều chỉnh gói này phù hợp với bối cảnh cụ thể từng nước.
Các chương trình sức khỏe học đường và dinh dưỡng toàn diện trong trường học có tác động đáng kể đến trẻ em trong độ tuổi đi học. Các biện pháp can thiệp phòng chống sốt rét có thể giúp giảm 62% tỷ lệ vắng mặt. Bữa ăn bổ dưỡng ở trường làm tăng tỷ lệ nhập học trung bình lên 9% và đi học 8%; chúng cũng có thể làm giảm chứng thiếu máu ở trẻ em gái vị thành niên lên đến 20%. Khuyến khích rửa tay giúp giảm tỷ lệ nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp đến 21% -61% ở các nước thu nhập thấp. Kiểm tra thị lực và cấp mắt kính miễn phí đã dẫn đến xác suất học sinh vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn về đọc và toán cao hơn 5%.
Giáo dục giới tính toàn diện khuyến khích áp dụng các hành vi lành mạnh hơn, thúc đẩy các quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản, cải thiện các kết quả về sức khỏe sinh sản và tình dục như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và mang thai ở tuổi vị thành niên.
Bên cạnh đó, trường học nâng cao sức khỏe cũng đi liền với cải thiện các dịch vụ, nguồn cung cấp nước và vệ sinh (WASH), trang bị kiến thức về vệ sinh kinh nguyệt, hướng dẫn các em gái cách giữ gìn vệ sinh thân thể và sức khỏe, đồng thời có thể hạn chế số ngày nghỉ học của các em trong kỳ kinh nguyệt.
Phương pháp Trường học Nâng cao Sức khỏe lần đầu tiên được WHO, UNESCO và UNICEF giới thiệu vào năm 1995, được áp dụng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số quốc gia đã thực hiện phương pháp này trên quy mô lớn, và thậm chí điều chỉnh hiệu quả hệ thống giáo dục để bao gồm các kiến thức nâng cao sức khỏe. Các tiêu chuẩn toàn cầu mới sẽ giúp các quốc gia tích hợp nâng cao sức khỏe vào tất cả các trường học và tăng cường sức khỏe và hạnh phúc cho con em của mình.