Tại sự kiện, ông Bùi Minh Cường, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cho biết, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, mà còn khiến người làm sách, viết sách mất đi động lực. Nghiêm trọng hơn, sách giả còn bào mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Nạn sách giả, sách lậu ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các Nhà xuất bản, công ty phát hành sách, các tác giả và bạn đọc.
Trước thực trạng đó, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phối hợp Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phần mềm SmartSoft tiến hành thỏa thuận hợp tác nhằm ứng dụng các thành tựu của công nghệ CheckVN vào phát triển nghiên cứu, xây dựng hệ thống chống giả điện tử cho các xuất bản phẩm; đồng thời in ấn tem thông minh chống hàng giả điện tử cho xuất bản phẩm và văn hóa phẩm. Thỏa thuận này dựa trên việc ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc chống vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và chống hàng lậu, hàng giả gồm 3 phần: App trên điện thoại thông minh; Tem thông minh chống hàng giả CheckVN Book; Hệ thống quản lý, kiểm soát xuất bản và chống giả điện tử.
Giải pháp truy xuất nguồn gốc chống vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và chống hàng lậu, hàng giả đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Đây là nền tảng công nghệ xác thực nguồn gốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lập Hội đồng đánh giá, giám định và thẩm định về công nghệ trước khi triển khai trên toàn quốc. Ứng dụng đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2015 và Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021... Trước khi áp dụng vào lĩnh vực xuất bản, công nghệ CheckVN đã chính thức được áp dụng cho toàn ngành nông nghiệp từ năm 2021. Hiện tại Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đắk Nông… và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng công nghệ CheckVN xây dựng các hệ thống truy xuất nguồn gốc cấp tỉnh để quản trị sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương.
Cũng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức Triển lãm Sách Khoa học và Công nghệ lần thứ II năm 2023 với chủ đề "Văn hóa đọc - Truyền cảm hứng - Đổi mới sáng tạo".
Triển lãm là dịp biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu khoa học và công nghệ, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hút các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ, năng lực sáng tạo, tích cực tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước; khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.
Trong khuôn khổ Tuần lễ sách, nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức như: Lễ Khai mạc Triển lãm sách Sách Khoa học và Công nghệ năm 2023; Hội thảo "Khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu và công bố bài báo khoa học"...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách về khoa học và công nghệ, xây dựng các mối quan hệ, gắn bó mật thiết với các tác giả, cộng tác viên, nhà khoa học, chuyên gia; các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân, từ đó nâng cao chất lượng sách, đồng thời đẩy mạnh công tác xuất bản và phát hành. Đặc biệt, Nhà Xuất bản đang phát triển hệ thống ứng dụng tem thông minh chống hàng giả cho xuất bản phẩm và văn hóa phẩm. Việc áp dụng tem thông minh chống hàng giả cho sản phẩm xuất bản và văn hóa phẩm sẽ góp phần phổ biến, giới thiệu những giá trị tri thức khoa học chính luận vào đời sống nhân dân.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, thời gian tới, Nhà Xuất bản cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong xuất bản, đầu tư xuất bản sách điện tử, sách đa phương tiện phù hợp với xu thế hiện đại, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.