Đảng Tiến bước, do ông Pita Limjaroenrat đứng đầu, đã giành chiến thắng trong cuộc trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14/5 với 151 ghế. Liên minh do đảng Tiến bước lãnh đạo đã giành được hơn 310 ghế trong Hạ viện, tương đương hơn 60%.
Theo nhiều dự đoán ban đầu, đảng Tiến bước sẽ thành lập một chính phủ liên minh với 7 đảng khác và các đối tác liên minh đã đồng ý ủng hộ ông Pita trong cuộc bầu cử thủ tướng có thể được tổ chức vào tháng 8.
Nhưng ông Ruangkrai Leekitwattana, người có liên kết với Đảng Palang Pracharat cầm quyền, đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử cho rằng ông Pita đã vi phạm hiến pháp.
Hiến pháp Thái Lan cấm các ứng cử viên Hạ viện sở hữu cổ phần trong các công ty truyền thông. Theo ông Ruangkrai, ông Pita được thừa hưởng cổ phần trong một đài truyền hình từ cha mình.
Ông Ruangkrai là một nhà hoạt động chính trị được biết đến với khả năng hạ bệ những tên tuổi lớn. Nhân vật này từng buộc Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Samak Sundaravej phải từ chức vào năm 2008 do xung đột lợi ích, liên quan đến việc xuất hiện trên một chương trình truyền hình về nấu ăn.
Ngày càng có nhiều đồn đoán về việc liệu ông Pita sẽ là nạn nhân tiếp theo trong danh sách của ông Ruangkrai hay không.
Ủy ban Bầu cử đã bắt đầu xem xét các cáo buộc chống lại ông Pita và dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm các ghế Hạ viện được phân bổ vào giữa tháng 7. Nếu bị phát hiện vi phạm hiến pháp, ông Pita có thể bị tước quyền phục vụ trong quốc hội.
Tuy nhiên, thủ tướng Thái Lan không nhất thiết phải là một nhà lập pháp đương nhiệm và ông Pita dự kiến sẽ vẫn là ứng cử viên hàng đầu theo thỏa thuận liên minh 8 đảng.
Nhưng nếu Ủy ban Bầu cử không đưa ra kết luận và để vấn đề cho Tòa án Hiến pháp, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn.
Tòa án Hiến pháp có thể tạm thời cấm ông Pita tham gia các hoạt động chính trị. Điều này có nghĩa là "hy vọng làm thủ tướng của ông ấy có thể chấm dứt", một nguồn tin ngoại giao nhận định.
Thái Lan đã trải qua 19 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1932, khi một cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế.
Ủy ban Bầu cử và Tòa án Hiến pháp hiện tại có đầy đủ các thành viên và thẩm phán được bầu bởi chính phủ quân sự nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 và vẫn được cho là nằm dưới ảnh hưởng của quân đội.
Đảng Hướng tới Tương lai, tiền thân của đảng Tiến bước, đã bị Tòa án Hiến pháp giải tán vào năm 2020 vì vi phạm luật bầu cử, một động thái được nhiều người coi là do quân đội đứng sau.
Đảng Tiến bước ủng hộ các chính sách từ lâu đã bị cấm kỵ ở Thái Lan, chẳng hạn như nới lỏng luật cấm xúc phạm hoàng gia và chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Đây là những động thái đi ngược lại lợi ích của phe bảo thủ và giới tướng lĩnh quân đội.
Vào cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam đã nêu khả năng tổ chức một cuộc bầu cử Hạ viện mới nếu các vấn đề hiện tại không được giải quyết. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng bày tỏ phản đối kế hoạch cải cách nghĩa vụ quân sự, nói rằng "quân đội có kế hoạch riêng".