Đó là thông báo mà UNICEF đưa ra nhân Ngày Rửa tay toàn cầu (15/10). Thực trạng này tập trung chủ yếu ở các nước kém phát triển nhất khi cứ 10 người dân tại đây thì có 6 người không được tiếp cận các khu và các sản phẩm làm sạch tay cơ bản.
Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 5 trường học trên thế giới thì có 2 trường không có khu vực rửa tay bằng nước và xà phòng cho học sinh, ảnh hưởng đến 818 triệu học sinh trong độ tuổi đi học, trong đó có khoảng 462 triệu học sinh học tại các trường không hề có khu vệ sinh. Tại các nước kém phát triển, cứ 10 trường học thì 7 trường học không có chỗ cho học sinh rửa tay.
Trong khi đó, hơn 30 % số cơ sở y tế trên toàn thế giới không có khu vực rửa tay riêng cũng như thiếu xà phòng và nước tại nhà vệ sinh.
Dữ liệu mới nhất của UNICEF cũng cho biết mặc dù từ năm 2015, vấn đề vệ sinh đã đạt một số tiến bộ khi số người dân trên thế giới được tiếp cận với các thiết bị vệ sinh cơ bản tại nhà tăng từ 5 tỷ người lên 5,5 tỷ người (khoảng 71% dân số), nhưng UNICEF vẫn cảnh báo rằng nếu xu hướng hiện nay tiếp tục tiếp diễn, sẽ có khoảng 1,9 tỷ người vẫn không được tiếp cận các sản phẩm vệ sinh tay cơ bản vào cuối thập kỷ này.
Theo UNICEF, chi phí cho các sản phẩm và thiết bị vệ sinh tay bản tại nhà ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới vào năm 2030 ước tính khoảng 11 tỷ USD. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ cam kết cung cấp dịch vụ vệ sinh cơ bản này không phải chỉ để ứng phó tạm thời với đại dịch COVID-19 mà là đầu tư vào y tế công cộng cũng như khả năng phục hồi kinh tế.