Khuyến cáo của cơ quan y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) do Liên hợp quốc thành lập ngày 7/4/1948, có 194 thành viên là các quốc gia và vùng lãnh thổ.
WHO có thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế; giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người, đứng ra giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.
Từ khi được thành lập, WHO đóng vai trò hàng đầu trong việc loại trừ bệnh đậu mùa. Các ưu tiên hiện tại của tổ chức này bao gồm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV/AIDS, Ebola, sốt rét và lao; giảm thiểu những tác động của bệnh không truyền nhiễm; theo dõi sức khỏe sinh sản và tình dục, sự phát triển và tuổi già; vấn đề dinh dưỡng, an ninh lương thực và ăn uống lành mạnh; sức khỏe nghề nghiệp; lạm dụng thuốc kháng sinh; thúc đẩy sự phát triển của các báo cáo, các ấn phẩm và kết nối mạng toàn cầu.
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vào ngày 30/1/2020, sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020. Mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới sớm có hành động quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Trước khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch, WHO đã phải cân nhắc kỹ càng bởi trong quá khứ có ý kiến cho rằng việc tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus.
Theo đó, hai năm sau ngày WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, ngày 9/3/2022, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định rằng đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi.
Ông nhấn mạnh: “Mặc dù số ca mắc và tử vong được báo cáo giảm trên toàn cầu, một số nước đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế, nhưng đại dịch còn lâu mới chấm dứt.”
Vào thời điểm đó, WHO đưa ra con số hơn 6 triệu người tử vong, gần 444 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Đến ngày 14/5, số người tử vong đã tăng thành 6,26 triệu, số ca mắc lên mức 521 triệu.
Trên website hay trên trang Facebook của mình, WHO luôn khẳng định: Vaccine an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể không bị trở nặng, phải nhập viện và tử vong do COVID-19. Hàng tỷ người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sử dụng vaccine là một trong những điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19, giúp chấm dứt đại dịch và ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện. Hãy sử dụng đủ liều vaccine ngừa COVID-19 do cơ quan y tế khuyến cáo ngay khi bạn đến lượt, bao gồm liều nhắc lại.
Để xua tan mọi nghi ngại thiếu căn cứ về tác động tiêu cực một cách lâu dài của vaccine đối với cơ thể, WHO giải thích rất rõ ràng:
Coronavirus, loại virus gây ra COVID-19, được đặt tên theo hình dáng các gai nhìn giống như chiếc vương miện trên bề mặt của chúng, gọi là các protein gai. Những protein gai này chính là mục tiêu của vaccine.
Vậy mRNA là gì? RNA Thông tin (Messenger RNA, hay mRNA) là vật liệu di truyền để cơ thể con người biết cách tạo ra protein.
Trong vaccine có chứa gì? Vaccine được làm bằng mRNA bọc trong một lớp phủ giúp cho việc di chuyển dễ dàng và giữ cho cơ thể không bị tổn thương.
Vaccine hoạt động như thế nào? mRNA trong vaccine dạy các tế bào của cơ thể cách tạo ra các bản sao của protein gai. Nếu sau này con người bị mắc COVID-19 thì cơ thể sẽ nhận ra virus và biết cách chống lại virus.
WHO đã nhiều lần khẳng định rằng vaccine không chứa bất kỳ con virus nào nên không thể làm cho người tiếp nhận vaccine bị mắc COVID-19. Vaccine cũng không thể làm thay đổi DNA của con người theo bất kỳ cách nào.
Sau khi được mRNA chỉ dẫn, các tế bào của cơ thể người sẽ phá vỡ và loại bỏ virus.
Khi cơ thể của con người phản ứng với vaccine thì trong một số trường hợp có thể gây ra sốt nhẹ, nhức đầu hoặc ớn lạnh. Điều này là hoàn toàn bình thường và là dấu hiệu cho thấy vaccine đang hoạt động.
Tính đến ngày 13/5, theo Our World in Data, có gần 5,2 tỷ người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, chiếm hơn 66% dân số thế giới; gần 4,7 tỷ người đã được tiêm đủ liều vaccine, chiếm hơn 60,2%; 1,9 tỷ người đã được tiêm mũi vaccine tăng cường, chiếm 24,5%. Chính vaccine đã giúp nhân loại đẩy lùi dần đại dịch COVID-19.
Các nước “ứng xử” với vaccine cho trẻ em
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 14/5/2022, Việt Nam đã tiêm được gần 217 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó dành cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 197 triệu liều (mũi 1 là hơn 71,4 triệu liều; mũi 2 là gần 69 triệu liều; mũi 3 là hơn 1,5 triệu liều; mũi bổ sung là hơn 15,2 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là hơn 40 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là gần 23 nghìn liều).
Lượng vaccine đã tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là hơn 17,4 triệu liều; cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là xấp xỉ 2,4 triệu liều.
Trước đó, ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023). Trong số nhiều biện pháp được Chính phủ nêu ra để “giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á” thì vaccine ngừa SARS-CoV-2 vẫn là vũ khí chủ chốt.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống COVID-19 trong 2 năm 2022 - 2023 là hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9 năm 2022.
Cũng giống như Việt Nam, đa số các quốc gia trên thế giới đang triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào tháng 5/2021 và cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào tháng 11/2021.
Việc cấp phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi dựa trên một nghiên cứu liên quan đến 2.259 trẻ trong độ tuổi này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng miễn dịch của nhóm tuổi này tương đương với nhóm 16-25 tuổi.
Một nghiên cứu tương tự đã được thực hiện với 2.000 trẻ em trong độ tuổi 5-11. Các em được tiêm liều lượng vaccine nhỏ hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trong số 1.305 trẻ em được tiêm vaccine, có 3 em mắc COVID-19 so với 16 em mắc COVID-19 trong nhóm 663 trẻ được dùng giả dược.
Kết quả nghiên cứu khẳng định, vaccine có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng ở trẻ em.
EMA đưa ra kết luận: “Lợi ích của việc tiêm vaccine Pfizer ở trẻ em từ 5-11 tuổi là cao hơn so với rủi ro, đặc biệt ở những trẻ có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng”.
EMA cũng đã phê duyệt vaccine Moderna để sử dụng cho nhóm trẻ em 12-17 tuổi.
Chính phủ Anh đã lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Còn Italy đã cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi vào ngày 1/12/2021 và đến nay hơn 36% trẻ em thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tại Đức 20,6% trẻ em từ 5-11 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, tại Ireland là khoảng 25%. Ba Lan và Pháp cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Tây Ban Nha là một trong những nước châu Âu đi đầu trong việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi với 57% trẻ em trong nhóm tuổi này đã được tiêm một mũi vaccine.
Nhật Bản cũng đã chuẩn bị cho việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Tại Mỹ hơn 8,6 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, chiếm 30%; 6,2 triệu trẻ đã tiêm đủ hai liều vaccine và hiếm gặp phản ứng phụ nghiêm trọng.
Các nước Dominica, Honduras từ ngày 15/2 đã bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, đảm bảo quyền của các em…./.