Đánh giá kết quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết: Các ban ngành đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và công tác thanh kiểm tra... Trong “Tháng hành động vì ATTP” không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.
Kết quả kiểm tra 18.989 cơ sở, cho thấy 15.501 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 81,6%. Tổng số cơ sở vi phạm là 2.853 cơ sở, trong đó có 210 cơ sở bị phạt cảnh cáo; 133 cơ sở bị hủy sản phẩm; 52 cơ sở bị đóng cửa; 1.317 cơ sở bị nhắc nhở.
Bên cạnh đó, đoàn thanh kiểm tra cũng đã lấy 1.049 mẫu, gồm: 199 mẫu thịt, 188 mẫu thủy sản, 200 mẫu rau củ quả, 218 mẫu thực phẩm ăn ngay, 226 mẫu ngũ cốc, hạt, quả khô, bột; 17 mẫu nước uống đóng chai, 01 mẫu kem đá gửi kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm của thành phố. Kết quả, có 1.009/1.049 mẫu đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ 96,2%. Xét nghiệm nhanh đạt 28.356/30.544 mẫu, chiếm tỷ lệ 92,8%.
Tuy nhiên, theo ông Chung, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Các quận, huyện, thị xã, còn thiếu nguồn nhân lực làm công tác thanh kiểm tra nói chung và kiểm tra chuyên ngành nói riêng. Ý thức các chủ cơ sở - nhất là các chủ cơ sở nhỏ lẻ, quán ăn đường phố còn kém và còn thực hiện một cách đối phó. Riêng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ người tiêu dùng, vẫn còn tâm lý ngại va chạm…