Hiện đại hóa các tích cũ
Ra đời đúng vào dịp kỳ thi THPT quốc gia 2019 cam go diễn ra, MV “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng vụt sáng trên thị trường âm nhạc. Thay vì đóng lại một cô Mị trong “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài lầm lũi trong xó cửa, câm lặng ôm trong mình những nỗi khổ như nhiều phụ nữ dân tộc miền biên cương thì cô Mị Hoàng Thùy Linh lại dung cảm đạp xiềng xích nhà thống lý Pá Tra, sống đúng nghĩa quãng đời thanh xuân mơn mởn của mình. Cô tìm thấy ánh sáng cuộc đời, trong nhiều lớp cắt của chuyến du xuân. Trong chuyến du xuân ấy, Mị truyền cảm hứng tự do cho những cuộc đời, những thân phận văn học khác vẫn đang luẩn quẩn trong bóng tối bi quan. Mị xuất hiện kịp lúc lão Hạc sắp ăn lá ngón, đưa “cậu Vàng” trở về với chủ. Mị cứu chị Dậu khỏi tên quan dê xồm, cuốn theo anh Tràng (Vợ nhặt), kéo theo Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc đỏ thoát khỏi kiếp đời chật hẹp, khốn khổ để vào hành trình tương lai tươi sáng ý nghĩa… Cuộc đời nhân vật Mị được thay đổi hoàn toàn so với nguyên bản văn học để kể câu chuyện âm nhạc thời đại đầy nhiệt huyết và sôi nổi.
Chuyện nhân vật văn học đi vào âm nhạc không phải là chưa bao giờ có, nhưng cách làm đầy mới mẻ, hiện đại của Hoàng Thùy Linh gây hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng, nhất là những bạn trẻ vừa trải qua kỳ thi đại học nảy lửa.
MV “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc. |
Đó chưa phải là ví dụ duy nhất. Nhiều tác phẩm âm nhạc đã mạnh dạn mang hình tượng văn học vào MV, kết hợp nhuần nhuyễn cái hiện đại pha lẫn màu sắc dân gian trong ca từ lẫn giai điệu để người nghe nhớ lâu và ngân nga theo. Trong MV “Anh ơi ở lại”, Chi Pu hóa thân thành cô Cám kể câu chuyện tình yêu của nhiều bạn nữ thời nay, rất thời sự. Vì tình yêu đơn phương mù quáng, Cám đã nghĩ ra hàng loạt hành động độc ác. Kết cục Cám phải trả giá, nhận về nhiều đớn đau. Hình ảnh Cám đáng thương hơn đáng giận với một mong muốn duy nhất là giành được trái tim nhà vua. Trong sự đau đớn tột cùng vì vua không hề đoái hoài, cái Cám nhận được là sự đau khổ vì trái tim không đồng điệu... Cô Cám qua cách kể của Chi Pu bỗng được cảm thông và chia sẻ thay vì ghét bỏ, xa lánh. Bài hát như một lời giải thích du dương, nhẹ nhàng về nguồn cơn của những hành động gian trá của Cám trong câu truyện cổ tích thường kể.
Mới đây nhất, nam ca sĩ Đức Phúc ra mắt MV “Hết thương cạn nhớ” ngay lập tức lọt Top xem nhiều nhất trên Youtube cũng bởi phần hình ảnh “ăn theo” truyện ngắn Chí Phèo. Nhưng ở thời hiện đại, nhân vật Thị Nở không sở hữu ngoại hình xấu đau xấu đớn với hàm răng đen kịt mà sở hữu cằm V-line và nụ cười tươi với hàm răng trắng bóng. Đức Phúc đảm nhận vai Lý Cường - con trai Bá Kiến không hung hãn, độc địa mà thư sinh và dịu dàng với tình yêu của mình. Chàng đem long yêu Thị Nở, dù biết Thị Nở đã phải lòng Bá Kiến. Cứ thế, câu chuyện về một không gian quê kiểng mênh mông được khắc học, với những nhân vật văn học nửa quen nửa lạ.
Có thể nói, những sản phẩm âm nhạc lấy tích từ truyện cổ tích, tác phẩm văn học khiến khán giả đón nhận văn học trong tâm thế thích thú và vô cùng phấn khích.
Giữ giùm những áng văn dễ bị lãng quên...
Không phải bây giờ âm nhạc mới kết duyên với văn học, trước đó, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, ca khúc “Bống bống bang bang” của nhóm nhạc 365 một thời được đón nhận nồng nhiệt ngay vào thời điểm ra mắt. Ca khúc hiện đã cán mốc hơn 430 triệu lượt view trên YouTube sau 3 năm phát hành. Ca khúc cũng được giới trẻ thuộc lòng vì quá ấn tượng: “Ngày xưa xưa ơi là xưa/Ở một nơi đồng quê bát ngát/Nhà kia có hai chị em/Tên được cha đặt là Tấm Cám...”.
MV “Để Mị nói cho mà nghe” |
Không khó lý giải khi bài hát nhanh chóng tìm được chỗ đứng, trở thành bài hát phổ biến trong giới trẻ, tạo động lực cho trào lưu sáng tác mới trong show biz. Thay vì sự quá tải của các bài hát “sầu anh, chết em”, thất tình yêu đương, những MV âm nhạc đượm chất văn học đã thổi một luồng gió mới vào nhạc trẻ. Hầu hết, các ca khúc này đều do các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tự sáng tác, biểu diễn, quay MV nên ý tưởng của họ xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, mỗi thời đại có góc nhìn khác và sự thay đổi cũng thể hiện sự sáng tạo, góc nhìn táo bạo của các nghệ sĩ trẻ về những nhân vật văn học kinh điển. Chị hoàn toàn ủng hộ sự sáng tạo của các nhạc sĩ, ca sĩ.
Còn với nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông kể, sáng tác về Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học (Về khóc Tố Như, Bến Âu Lâu, Giấc mơ Cẩm Giàng…) hay Trọng Thủy - Mỵ Châu, Trương Chi, Thị Màu… mới thấy nguồn đề tài này vô cùng phong phú và rất hay. Nhưng không hề dễ dàng, bởi sáng tác âm nhạc từ tác phẩm văn học gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi ở người sáng tác không chỉ có tài năng âm nhạc mà cả vốn sống trải nghiệm, bề dày kiến thức, cùng với sự khéo léo dâng hiến hiểu biết của mình, là cách biểu đạt tâm hồn mình đầy sáng tạo...
Tín hiệu đáng mừng đằng sau trào lưu se duyên giữa âm nhạc và văn học này là các thế hệ trẻ hiện nay đã bứt phá hơn, sáng tạo công phu hơn, họ đã dần từ bỏ lối viết “sầu anh chết em”, tình vờ để dũng cảm dấn thân và gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ.