Làm thế nào để tòa án có thể giúp đỡ cho những người đang tìm kiếm công lý này? Đó là cung cấp cho nạn nhân một luật sư riêng.
Nhiều người có thể không biết rằng trong suốt quá trình pháp lý, các nạn nhân chỉ đơn giản là được chỉ định một luật sư thông qua Cơ quan Công tố. Điều này có nghĩa là họ không có quyền tiếp cận với luật sư của riêng mình để bảo vệ quyền riêng tư và lợi ích cá nhân của họ khi tòa án xét xử.
Nỗi sợ hãi của phụ nữ và sự ngờ vực của cộng đồng
Theo Cục Thống kê Úc, gần 90% phụ nữ không trình báo cảnh sát khi bị tấn công tình dục.
Một trong những lý do khiến các nạn nhân không khai báo hoặc trì hoãn trình báo là vì sợ cảnh sát sẽ không tin.
Điều này không tự nhiên mà có.
Một cuộc khảo sát quốc gia năm 2017 cho thấy sự nghi ngờ của cộng đồng về những báo cáo về bạo lực tình dục ở phụ nữ mặc dù những báo cáo này đều đúng sự thật.
Khả năng các nạn nhân có được công lý là ngoài tầm tay của họ.
Cơ quan Công tố có nhiều quyền hạn, bao gồm khả năng quyết định xem một vụ án hình sự có nên tiến hành hay không và nó sẽ được truy tố như thế nào. Thực tế, nạn nhân không có quyền kiểm soát hoặc không có khả năng can thiệp vào việc ra quyết định của công tố viên.
Đối với các trường hợp tiến hành truy tố, trải nghiệm của nạn nhân nhìn chung là tiêu cực. Điều này là do sự đối xử thiếu tế nhị của các nhân viên tư pháp hình sự, bao gồm cả luật sư bào chữa.
Bên cạnh đó là những lầm tưởng và khuôn mẫu tại phiên tòa, gồm các câu hỏi về lịch sử tình dục của nạn nhân...
Đây cũng là một lý do tại sao rất ít kẻ bạo hành bị kết án.
Do phải tiết lộ những thông tin chi tiết cá nhân và những kí ức đau khổ khi bị hành hung cùng với khả năng bị kiểm tra chéo gắt gao khi xét xử, những nạn nhân bị tấn công tình dục thường dễ dàng bị tái chấn thương khi ra tòa.
Điều này càng làm gia tăng những rào cản mà phụ nữ phải đối mặt với việc nói lên câu chuyện của họ .
Vì bản chất đối nghịch của hệ thống tư pháp hình sự ở Úc, tội phạm được tranh chấp giữa hai bên: nhà nước truy tố vì lợi ích công cộng và người bị buộc tội.
Điều này có nghĩa là nạn nhân không được coi là một bên tham gia tố tụng, mặc dù họ phải chịu tác động trực tiếp bởi hành vi phạm tội.
Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ nạn nhân khỏi một số câu hỏi gây hiểu lầm, đe dọa và làm nhục.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy luật sư bào chữa lại liên tục hỏi những câu hỏi như vậy để bẽ gãy lời khai cũng như làm nạn nhân "suy yếu".
Các học giả, cả chuyên gia về phụ nữ, các dịch vụ pháp lý và những người ủng hộ nạn nhân bị tấn công tình dục đã nêu lên những lo ngại về việc thiếu sự can thiệp của tư pháp.
Điều này đã dẫn đến những lời kêu gọi đại diện pháp lý do chính phủ tài trợ để cải thiện mức độ đối xử với nạn nhân trong quy trình pháp lý và làm giảm khả năng chấn thương tâm lý.
Nếu nạn nhân có thể được đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích cá nhân được bảo vệ, họ có thể có xu hướng khai báo hoặc tiếp tục tham gia vào các cuộc điều tra. Việc luật sư riêng có mặt tại phiên tòa cũng có thể làm giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng của nạn nhân và cải thiện sự tự tin của họ khi làm chứng.
Chúng ta cần thay đổi văn hóa và xã hội để dẹp bỏ những lầm tưởng và định kiến về bạo lực tình dục. Những lầm tưởng này ngăn cản nạn nhân trình báo và làm ảnh hưởng các cuộc điều tra, truy tố cũng như trải nghiệm của nạn nhân.
Việc giới thiệu luật sư riêng cho nạn nhân là một thay đổi thiết thực, khả thi để nâng cao vấn đề sức khỏe, sự an toàn và khả năng tiếp cận công lý của nạn nhân.
Ly Phương
(Theo The Conversation)