Vì sao ông Tập không gặp cựu lãnh đạo Đài Loan?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tiến hành cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California vào tuần trước, người tiền nhiệm của bà, ông Mã Anh Cửu, đang tới thăm Trung Quốc đại lục.
Chuyến đi tới đại lục của ông Mã Anh Cửu - cựu lãnh đạo Đài Loan, không đạt được thành công như kỳ vọng. Ảnh: AP
Chuyến đi tới đại lục của ông Mã Anh Cửu - cựu lãnh đạo Đài Loan, không đạt được thành công như kỳ vọng. Ảnh: AP

Thoạt nhìn, có vẻ như Trung Quốc đang trải thảm đỏ cho với ông Mã, đánh dấu lần đầu tiên một cựu lãnh đạo Đài Loan đặt chân lên đại lục. Nhưng khi nhìn vào chuyến đi của ông Mã thúc, nhiều người đã nghĩ ngay tới một câu thành ngữ Trung Quốc: "đầu rồng, đuôi rắn". Nỗ lực khởi đầu thuận lợi, nhưng lại thất bại về cuối.

Ông Mã đã không gặp được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến đi của ông không có điểm đến quan trọng là Bắc Kinh.

Sự đón tiếp nồng nhiệt đã nhạt nhòa so với năm 2015, khi ông Tập hội đàm với ông Mã ở Singapore. Sự kiện đó đã được đánh dấu bằng cái bắt tay dài 80 giây trước ống kính máy quay. Đó cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Đài Loan kể từ năm 1949.

Vì sao ông Tập không gặp cựu lãnh đạo Đài Loan? ảnh 1

Cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan. Ảnh: AP

Trong chuyến đi đại lục lần này, ông Mã cũng không được gặp Vương Hỗ Ninh, một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, mặc dù có nhiều tin đồn về việc hai người sẽ gặp nhau. Ông Vương, vị quan chức đứng thứ 4 của Trung Quốc, là người phụ trách xây dựng chiến lược toàn diện thống nhất Đài Loan của chính quyền Bắc Kinh.

Một cuộc gặp gỡ giữa Mã và Vương đã được dự đoán trước và dự kiến tổ chức ở Thượng Hải, nơi ông Vương từng làm việc với tư cách là học giả về chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Thượng Hải cũng đã đóng một vai trò lịch sử trong các hoạt động trao đổi giữa hai bờ eo biển Đài Loan

Hóa ra, điểm nổi bật trong chuyến đi 12 ngày của ông Mã ở đại lục là cuộc gặp với ông Tống Tào, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đài Loan, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Ngoài ra, ông Mã đã gặp một số lãnh đạo khu vực đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm các quan chức hàng đầu của Thượng Hải và Trùng Khánh. Nhưng không ai trong bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tiếp ông.

Đáng chú ý, trước chuyến thăm của ông Mã, một quan chức cấp cao của Quốc dân đảng là Hạ Lập Ngôn, cũng đã tới thăm đại lục vào tháng 2 và có cuộc gặp với ông Vương Hỗ Ninh.

Còn lần này, chính quyền Bắc Kinh đã hành động cẩn trọng. Mã Anh Cửu là một nhân vật có đường lối thân Bắc Kinh. Nhưng đã 7 năm kể từ khi ông rời chức vụ lãnh đạo Đài Loan, người ta đặt câu hỏi liệu ông Mã có còn giữ được tầm ảnh hưởng trong xã hội Đài Loan, bao gồm cả trong Quốc dân đảng, trước cuộc bầu cử vào năm tới.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh do dự tiếp đón ông Mã là bởi vị chính trị gia này từng là người đứng đầu của chính quyền Đài Bắc. Bất chấp những lời kêu gọi cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển, ông Mã rốt cuộc là người thuộc Quốc dân đảng, lực lượng đã đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vì sao ông Tập không gặp cựu lãnh đạo Đài Loan? ảnh 2

Ông Mã Anh Cửu tới viếng lăng Tôn Trung Sơn tại Nam Kinh ngày 28/3 trong chuyến thăm đại lục. Ảnh: AP

Sự lo lắng của chính quyền đại lục đã trở thành hiện thực trong chuyến thăm của Mã tới tỉnh Hồ Nam, quê hương của gia đình ông. Khi tới thăm ngôi mộ của gia đình, ông Mã xúc động báo cáo với tổ tiên những nỗ lực mà ông đã đạt được trong thời gian làm lãnh đạo Đài Loan.

Ông cũng đưa ra những nhận xét bất ngờ tại một sự kiện được tổ chức tại Đại học Hồ Nam: “Đất nước chúng ta đã bị chia cắt thành hai phần. Một là khu vực Đài Loan và hai là khu vực đại lục". Nhưng ông cũng khẳng định, cả hai khu vực đều thuộc về một chính thể.

Đây là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo Đài Loan nói về ranh giới của Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi cũ của Trung Quốc trước năm 1949) bên trong đại lục.

“Trung Quốc dường như lo lắng, thậm chí tức giận trước những nhận xét bất ngờ của ông Mã”, một chuyên gia am hiểu về quan hệ hai bờ eo biển cho biết. "Điều này có thể ảnh hưởng đến cách Trung Quốc sẽ hành xử với ông Mã Anh Cửu trong tương lai".

Có quan điểm cho rằng nếu ông Mã không tuyên bố mình là cựu lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc hoặc không tuyên bố rằng đại lục là một phần của Trung Hoa Dân Quốc, thì cuộc gặp với Vương Hỗ Ninh ở Thượng Hải đã có thể xảy ra.

Nhưng một nhà quan sát có hiểu biết sâu sắc về các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan lại có cách nhìn khác.

Người này cho biết chính quyền Bắc Kinh muốn sắp xếp cho ông Mã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng chính ông Mã đã do dự sau nhiều cân nhắc khác nhau. Việc Quốc dân đảng vẫn chưa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào năm sau dường như là một mối bận tâm đối với ông Mã.

Nguồn tin này cho biết, cũng có một kế hoạch để ông Mã gặp Vương Hỗ Ninh, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trước khi chuyến thăm bắt đầu.

Một cách giải thích khác đó là bằng cách không gặp Mã, giới lãnh đạo đại lục đã tận dụng chuyến đi của ông để tránh làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Mỹ. Trong cuộc bầu cử vào năm tới ở Đài Loan, ông Mã đóng một vai trò nhạy cảm.

Quốc Dân Đảng đang cảnh báo rằng nếu đảng Dân chủ Tiến bộ của bà Thái Anh Văn, vốn có khuynh hướng độc lập, vẫn tiếp tục nắm quyền, nhiều khả năng xung đột với đại lục sẽ nổ ra. Khi Quốc dân đảng thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan vào tháng 11 năm 2022, khẩu hiệu là: "Đừng biến Đài Loan thành Ukraine tiếp theo".

Quốc dân đảng gợi ý rằng họ có thể tránh được nguy cơ xung đột vũ trang thông qua hòa giải với Bắc Kinh.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Tiến bộ khẳng định rằng nếu Quốc dân đảng, vốn ủng hộ chính sách "một Trung Quốc" của đại lục, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, Đài Loan sẽ trở thành Hồng Kông tiếp theo và mất quyền tự chủ.

"Đừng biến Đài Loan thành Hồng Kông tiếp theo" là khẩu hiệu của đảng này. Chính quyền của bà Thái Anh Văn muốn ngăn chặn sức ảnh hưởng của đại lục bằng cách liên kết với Mỹ.

Chuỗi sự kiện cho thấy rằng Trung Quốc vẫn quan tâm đến ông Mã Anh Cửu. Bắc Kinh đã trì hoãn cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan cho đến khi ông Ma rời khỏi đại lục.

Nếu quân đội Trung Quốc bắt đầu phô trương lực lượng quy mô lớn trong khi ông Mã còn ở đại lục, thì vị chính trị gia này có nguy cơ bị mất thể diện khi trở về Đài Loan, hoặc thậm chí không thể trở lại hòn đảo này.

Nếu điều này diễn ra, nó sẽ có lợi cho ông Lại Thanh Đức - ứng cử viên của đảng Dân chủ Tiến bộ. Quốc dân đảng vẫn chưa chọn được ứng cử viên của mình, một yếu tố có thể giải thích cho việc Chủ tịch Tập Cận Bình "lạnh nhạt" với ông Mã Anh Cửu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục giữ lại quân bài của mình, một quân bài mà họ có thể nhận ra rằng chưa bao giờ là một con át chủ bài.

Theo Nikkei Asia
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.
Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
(Ngày Nay) - Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 4/5, số trẻ em tại nước này tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp và tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực triển khai những biện pháp chưa từng có để giải quyết vấn đề này.