Khuyến khích những trò dại
Mới đây, nhiều phụ huynh đã không khỏi bất bình khi phát hiện con em mình mải miết xem clip “nấu cháo gà để nguyên cả lông” do Nguyễn Văn Hưng, hay còn gọi là Hưng Vlog (sống tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Hưng còn nổi tiếng khi ăn theo kênh YouTube của mẹ - Bà Tân Vlog nhưng trước khi mẹ nổi tiếng, Hưng đã sở hữu tới 3 kênh YouTube khác nhau bao gồm: Hưng Vlog (2,88 triệu subscribes), Hưng Troll (566k subscribes) và Hưng Gamer (186k subscribes). Khác với những video nấu ăn “siêu to khổng lồ” của mẹ, chàng trai này lại hay làm về nội dung chơi khăm người thân trong gia đình bằng hàng loạt chiêu trò khác nhau.
Không chỉ gây chú ý bằng việc nấu gà nguyên lông hay trộm heo đất của em để đập lợn, đã hơn 3 lần Hưng Vlog chơi trò nấu cơm bằng những loại nước ngọt khác nhau như coca, nước cam… với ý tưởng “nhuộm màu” hạt gạo sau khi chín. Không chỉ thể, anh chàng còn nấu cả canh rau, thịt… với những loại nước ngọt này. Hưng cũng không ngại mua thanh long về luộc như người ta luộc chuối chín để thử nghiệm độ ngon.
Vlog mới nhất về thể loại các trò nghịch dại này của Hưng Vlog nhanh chóng đạt hơn 700 nghìn views trong chưa đầy 1 ngày khiến nhiều người bày tỏ sự lo ngại khi trẻ em bị cuốn vào những video này và làm theo.
Trên mạng YouTube, rõ ràng không chỉ có Hưng Vlog, còn nhan nhản những video nhảm nhí, độc hại không kém vẫn hàng ngày được “xuất xưởng”. Trước đó, một người dùng có tên Thơ Nguyễn từng đăng tải nhiều video lên kênh YouTube, trong đó có những video phản cảm như “Thí nghiệm đun lon nước và cái kết”. Trong video này, chủ Vlog mô tả cảnh dùng lửa đốt 4 lon nước ngọt và bia để xem hiện tượng khi đốt. Dù cảnh báo rằng đây là một thí nghiệm và đề nghị các trẻ không làm theo nhưng ai dám chắc không có đứa trẻ nào bắt chước làm theo.
Hung Vlog. |
Cũng nhảm nhí không kém, nhiều video như “Thử thách 24h làm heo”, “thử thách 24h làm chó”, “Thử thách 24h sống trong quan tài”, “Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất”, “Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon” hay thậm chí “Thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ”... vẫn được tung lên mạng khá đơn giản và nhanh chóng. Các video này hầu như vô bổ và thậm chí được đánh giá có thể gây nguy hiểm cho bản thân người thực hiện clip và cả người xem nếu làm theo các đoạn video này
Cách đây 1-2 năm, nhiều video trên YouTube có nội dung liên quan tới nhân vật hoạt hình người nhện (Spiderman), công chúa Bạch Tuyết, Elsa nhưng đầy bạo lực, dung tục và phản cảm đã từng gây xôn xao dư luận, khiến công chúng, đặc biệt các bậc phụ huynh phẫn nộ. Một trong những video nhảm nhí và nguy hiểm đó có tên Momo. Tất cả video chỉ là hình ảnh một người phụ nữ đầu người, mình gà, đội mái tóc đen, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Những cảnh kinh dị chỉ xuất hiện thoáng qua trong video cũng đủ khiến nhiều người sợ hãi và bất an nếu không may con cháu mình xem được.
Bộ lọc mang tên “phụ huynh”
Sau khi clip “nấu cháo gà để nguyên cả lông” đăng tải trên mạng xã hội, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng theo điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Video luộc Thanh Long. |
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Nguyễn Văn Hưng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ nội dung đăng tải đã vi phạm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi câu chuyện mất bò mới lo làm chuồng. Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những clip xấu độc, ảnh hưởng đến trẻ em cần phải được các cơ quan chức năng phát hiện sớm và xử lý kịp thời; đồng thời, cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa để có đủ sức răn đe.
Còn theo Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam, trẻ nhỏ chưa có năng lực hành vi nên phụ huynh phải là người định hướng. Những video clip mà con trẻ xem hàng ngày sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức, khi trẻ bị kích thích sẽ hành động theo tiềm thức có sẵn và dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân cũng như những người xung quanh. Vì vậy, khi cho trẻ xem hay học trên mạng xã hội, phụ huynh phải quản lý chặt, định hướng rõ.
Theo đó, bộ lọc hữu hiệu nhất vẫn trông chờ vào phụ huynh và gia đình. Các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ nên loại bỏ ứng dụng YouTube khỏi mọi thứ, từ điện thoại, tivi, máy tính bảng... đồng thời hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên giám sát kỹ con em của mình khi tham gia mạng xã hội và sử dụng Internet, hoặc sử dụng dịch vụ an toàn hơn như cho con trẻ xem các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi.