Ngày 5/8, Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) đã kết thúc khóa họp thứ 73 và cũng là khóa họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2017-2022 kéo dài 6 năm do tác động của đại dịch COVID-19.
Tại khóa họp này cũng như các khóa họp trước đó của ILC, đại diện của Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, ILC đã thông qua nhiều báo cáo quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển tiến bộ và pháp điển hoá luật quốc tế như “Xác định tập quán quốc tế,” “Tội ác chống lại nhân loại,” “Thực tiễn tiếp sau và các thỏa thuận tiếp sau trong giải thích điều ước quốc tế,” “Áp dụng tạm thời điều ước quốc tế,” “Bảo vệ bầu khí quyển,” “Quy phạm mệnh lệnh của luật quốc tế chung-Jus cogens.”
Đặc biệt, trong Khóa họp 73 diễn ra từ ngày 18/4-3/6 và 4/7-5/8, hai nữ báo cáo viên đặc biệt đầu tiên trong lịch sử của ILC đã bảo vệ thành công báo cáo của mình.
Cụ thể, bà Maria Lettho - người Phần Lan, đại diện cho Bắc Âu - bảo vệ báo cáo về “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang.”
Bà Escobar Hernandesh - người Tây Ban Nha - bảo vệ báo cáo về “Quyền miễn trừ của nhân viên công vụ khỏi quyền tài phán hình sự nước ngoài.”
Đây là nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, khẳng định vai trò của nữ giới ngày càng tăng trong cơ quan chủ chốt về pháp điển hoá và thúc đẩy phát triển tiến bộ luật quốc tế sau nhiều năm.
Thành viên Việt Nam tại ILC, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao cũng đã có một nhiệm kỳ thành công với nhiều đóng góp tích cực cho ILC như góp ý kiến về các nội dung thảo luận của ILC, tích cực bảo vệ luật quốc tế, lợi ích của các nước đang phát triển và lợi ích của Việt Nam.
Thông qua các ý kiến và thảo luận của Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, nhiều kinh nghiệm và đóng góp thực tiễn của Việt Nam trong quan hệ quốc tế đã được kiến nghị đưa vào các báo cáo của ILC về chủ đề luật quốc tế như vai trò của Việt Nam trong đấu tranh chống lại các tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại; hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chất độc màu da cam; trách nhiệm quốc gia trong kế thừa quốc gia…
Ngoài ra, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao cũng rất chủ động và tích cực tham gia các đề tài mới mang tính cấp thiết của cộng đồng quốc tế như “Nước biển dâng trong luật quốc tế,” “Bảo vệ con người trong đại dịch và luật quốc tế.”
Với sự năng động và tích cực trong công việc, nhanh chóng nắm bắt và thích nghi với các vấn đề của luật quốc tế, đoàn kết và hợp tác tốt với các thành viên, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao đã thể hiện rõ uy tín và năng lực, được bạn bè đánh giá cao và được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban năm 2018, cũng như được tái bầu vào Ủy ban với số phiếu cao 145/191 phiếu bầu.
Vì thế, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên của ILC nhiệm kỳ tiếp theo 2023-2027.
Phát biểu tại cuộc họp kết thúc Khóa họp 73 và cũng kết thúc nhiệm kỳ 2017-2022 của ILC, thay mặt nhóm châu Á, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đánh giá cao các nỗ lực của Ủy ban cũng như sự quan tâm, đóng góp và ủng hộ của Ủy ban đối với các nước đang phát triển.
Đại sứ khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa cho sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững trên toàn thế giới.