Theo phóng viên TTXVN tại New York, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm Trưởng Phái bộ MONUSCO Bintou Keita cập nhật thông tin về tình hình và hoạt động của Phái bộ trong 3 tháng vừa qua. Theo bà Keita, tình hình an ninh ở miền Đông CHDC Congo tiếp tục xấu đi trong thời gian qua do hoạt động của các nhóm vũ trang và phần nào là các hành vi bạo lực giữa các cộng đồng. Ba tỉnh Bắc Kivu, Nam Kivu và Ituri là những địa bàn có tình hình đáng lo ngại nhất.
Do tác động của bất ổn, khó khăn kinh tế-xã hội cũng như đại dịch COVID-19, tình hình nhân đạo tại các khu vực xung đột tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Thống kê của LHQ cho thấy có tới 19,6 triệu người trên tổng số hơn 90 triệu dân cần được hỗ trợ nhân đạo; CHDC Congo hiện là quốc gia có số lượng người dân bị buộc rời khỏi nơi cư trú cao nhất châu Phi với hơn 5 triệu người. Các con số liên quan tới COVID-19 tại CHDC Congo tuy còn thấp so với khu vực khi chỉ có 55 ngàn ca nhiễm và hơn 1 ngàn ca tử vong, nhưng tình hình thực tế có khả năng phức tạp hơn nhiều khi cơ sở vật chất và năng lực y tế của nước này còn rất hạn chế.
Đại diện đặc biệt cũng thông báo với HĐBA kế hoạch điều chỉnh hoạt động của MONUSCO tại CHDC Congo, cụ thể là sẽ tăng cường hiện diện ở ba tỉnh miền Đông có tình hình còn phức tạp nói trên và rút dần khỏi một số tỉnh trên cơ sở tình hình an ninh đang có nhiều tiến triển. Bà Keita cho biết Phái bộ và các cơ quan LHQ đã phối hợp với Chính phủ CHDC Congo xây dựng một bản kế hoạch cụ thể với 18 tiêu chí cho việc điều chỉnh hoạt động của Phái bộ trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, chia sẻ lo ngại cùng các thành viên HĐBA về tình hình an ninh và nhân đạo ngày các phức tạp tại miền Đông CHDC Congo. Đại sứ kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với người dân CHDC Congo, trước mắt là để đối phó với thách thức do tác động của COVID-19 và bảo đảm tiếp cận vắc xin cho người dân. Đại sứ nhấn mạnh việc cần tăng cường nỗ lực hợp tác khu vực nhằm hỗ trợ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột tại miền Đông CHDC Congo, tập trung vào đối phó với hoạt động tội phạm của các nhóm vũ trang, quản lý khai thác và buôn bán tài nguyên, thúc đẩy hòa giải giữa các cộng đồng.
Cùng ngày 5/10, HĐBA đã có cuộc tham vấn kín về tình hình tại Cao nguyên Golan với sự tham dự và báo cáo của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix về tình hình an ninh và hoạt động của Lực lượng LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) trong thời gian 3 tháng vừa qua.
Tại cuộc họp, Đại diện Việt Nam chia sẻ quan ngại chung về các vụ việc vi phạm Thỏa thuận Rút lực lượng năm 1974 và các Nghị quyết của HĐBA liên quan tới Cao nguyên Golan; kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và tăng cường hợp tác với UNDOF nhằm duy trì ổn định tại khu vực này; đồng thời tái khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam về địa vị của Cao nguyên Golan.